Skip to content
Home » Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đầy đủ dinh dưỡng

Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đầy đủ dinh dưỡng

Bước vào giai đoạn ăn dặm, từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất chính là thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đầy đủ dinh dưỡng. Sữa không còn đủ dinh dưỡng cho con, vậy bổ sung ăn dặm như nào sao cho hợp lý mà vẫn đủ chất, giúp bé tăng cân mà lại dễ làm, và nhanh chóng.

Thực đơn Liên chia sẻ dưới đây sẽ giới thiệu tới các mom tất cả những món mà Gạo từng ăn trong thời kỳ 6 tháng tuổi. Đơn giản, dễ làm mà vẫn giàu chất dinh dưỡng cần thiết.

1. Nguyên tắc ăn dặm dành cho bé 6 tháng tuổi.

Không chỉ ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm BLW cũng là 1 trong những phương pháp đang khá phổ biến. Dựa trên những ưu điểm vượt trội của các phương pháp, có mẹ còn kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.

Như Liên áp dụng ăn dặm kiểu Nhật khi Gạo đủ 5,5 tháng tuổi, tới 6 tháng tuổi kết hợp thêm ăn dặm BLW.

Tuy nhiên, dù lựa chọn phương pháp nào thì cũng đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:

  • Lượng ăn dặm: 1 bữa/ngày
  • Lượng sữa: Theo nhu cầu
  • Độ thô của thực phẩm: rây nhuyễn hoặc nghiền nhuyễn. Nếu ăn dặm theo phương pháp BLW, thức ăn cần mềm vừa phải, sao cho lực 1 ngón tay bóp nhẹ, thức ăn mềm ra là đạt. Đảm bảo cho bé không hóc.
  • Nên cho bé làm quen dần các nhóm thực phẩm từ: ngũ cốc, tinh bột -> rau củ quả -> đạm
  • Ăn từ ít tới nhiều: Do hệ tiêu hóa còn yếu nên các mom không nên cho bé ăn nhiều quá sẽ làm con yêu bị rối loạn tiêu hóa
  • Ăn từ vị ngọt tới vị mặn: Không phải là cho đường và muối vào thức ăn mà độ ngọt mặn của thức ăn là vị nguyên bản của đúng loại thực phẩm đó. Do đó mới có lộ trình tinh bột -> rau củ quả -> đạm.

Nhiều gia đình tới giai đoạn ăn dặm vội vàng hầm xương để nấu cháo cho con, rồi hầm xương để quấy bột vì nghĩ xương và thịt nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng việc bổ sung quá nhiều đạm trong thời gian này khiến dạ dày của con bị quá tải do cơ quan nội tạng của bé vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh .

2. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đầy đủ dinh dưỡng.

PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM KIỂU NHẬT

Thời gian đầu ăn dặm (Gạo 5,5 tháng) Liên cho Gạo ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, với các món chủ yếu là cháo rây nước daishi, súp rau củ quả, đậu phụ non Ăn dặm kiểu Nhật ưu tiên mùi vị tự nhiên của thực phẩm. Tạo vị cho đồ ăn dặm dựa trên vị nguyên bản của Thực phẩm như vị ngọt từ rau củ quả, vị mặn của tảo bẹ, cá nước mặn.

Do đó người Nhật nghĩ ra thứ nước tạo vị cho đồ ăn mà tín đồ ăn dặm hay gọi là nước dashi. Liên sẽ giới thiệu tới các mom cách nấu nước dashi và các món kết hợp với dashi nhé.

2.1. Cách nấu nước dashi

2.1.1. Nước dashi rau củ

dashi-rau-cu

Nước dashi rau củ (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Nguyên liệu:

  • 50gr ngô bao tử
  • 50gr Ngô ngọt
  • 50gr cà rốt
  • 50gr mướp
  • 50gr khoai tây
  • 50gr hành tây
  • 50gr bí đỏ
  • 50gr bông cải trắng
  • 50gr cải ngọt
  • 1,6L nước

Chế biến:

Bước 1: Sơ chế tất cả nguyên liệu trên. Rửa sạch và cắt khúc

Bước 2: Đun sôi 1,5L nước, và bỏ lần lượt nguyên liệu trên vào lần lượt từ những loại lâu chín tới những loại nhanh chín. Ngô, cà rốt, khoai tây, bí đỏ.

Bước 3: Sau khoảng 20p cho nốt các nguyên liệu còn lại vào. Đun sôi tiếp 10p thì tắt bếp

Bước 4: Gạt nước luộc rau củ lọc qua rây, để nguội. Cho vào khay trữ đông dùng dần. Bã rau củ có thể đem rây nhuyễn trộn nước dashi cho bé ăn dặm.

2.1.2. Nước dashi tảo bẹ và cá

Nguyên Liệudashi-tao-be-ca-bao

  • 1 miếng tảo bẹ
  • 20gr Cá bào
  • 750ml nước

Chế biến:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu, tảo bẹ rửa sạch

Bước 2: cho tảo bẹ rửa sạch vào nồi cùng 750ml nước. Nước nổi bọt lăn tăn thì vớt tảo bẹ ra, cho cá vào nấu với lửa vừa.

Bước 3: Vớt phần bã ra và chắt lấy nước. Cho vào khay trữ đông dùng dần. Bã tảo bẹ và cá có thể rây nhuyễn nấu cháo cho bé.

2.2. Cháo rây

Món ăn quốc dân của tất cả các em bé khi vào giai đoạn ăn dặm nếu theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chính là món cháo rây. Dễ ăn, dễ làm, và không tốn kém.

Đối với các bé mới bắt đầu tập ăn dặm tỉ lệ cháo rây sẽ là 1:10 (1 muỗng gạo, 10 muỗng nước). Dần dần giảm tỉ lệ nước đi khi bé đã lớn hơn, VD: 1:7, 1:5

Thời gian đầu khi mới tập ăn dặm, các bé thường ăn 1 lượng rất ít 5-7ml, và tăng dần theo thời gian. Nhiều mom thắc mắc ăn ít vậy thì nấu kiểu gì được?

Giai đoạn đó Liên thường sẽ nấu 1 lần khoảng 100ml sau đó cho vào khay trữ đông có nắp và để ngăn đá, mỗi bữa hấp 1 viên cho Gạo ăn làm quen dần. Như vậy vừa không tốn công nấu mà chuẩn bị đồ cho Gạo cũng nhan.

Có nhiều cách nấu cháo và Liên sẽ chia sẻ tới các mom các cách tiện lợi mà nhanh nhất.

thuc-don-an-dam-cho-be-6-thang-tuoi-day-du-dinh-duong

Gạo và món cháo rây trong những ngày đầu ăn dặm

Nguyên liệu:

  • 1 muôi gạo
  • 10 muôi nước

Chế biến:

  • Nấu cháo bằng nồi bình thường:

+ Tỉ lệ vàng: 1 gạo : 10 nước cho vào nồi và đun sôi thì giảm lửa nhỏ để không bị trào ra. Đun nhỏ lửa 3p, đảo đều, tắt bếp đậy vung chờ khoảng 5p. Thời gian này các mom có thể làm những việc khác trong lúc chờ ủ gạo.

+ Sau 5p, tiếp tục đun sôi, giảm nhỏ lửa khoảng 3p đảo đều, tắt bếp đậy vung chờ khoảng 10p nữa là cháo chín có thể ăn được.

+ Rây cháo qua rây và thưởng thức.

  • Nấu cháo bằng nồi cơm điện

+ Vẫn là tỉ lệ vàng 1 gạo : 10 nước cho vào chén nhỏ. Cho bát cháo của bé vào nồi cơ mđiện và nấu chín cùng cơm.

+ Lưu ý: Thời gian nấu cơm của nồi cơm điện >30p. Đối với các nồi có tính năng nấu nhanh (20-30p) không đảm bảo để cháo chín cùng cơm. Các mom có thể khắc phục bằng cách ngâm gạo 30p trước khi nấu, thì cháo sẽ chín nhanh hơn.

+ Rây cháo qua rây và thưởng thức.

  • Nấu cháo bằng nồi Bear nấu cháo chậm

+ Tỉ lệ vàng 1 gạo : 10 nước cho vào nồi.

+ Lựa chọn tính năng nấu cháo, chế độ hầm tùy vào hoàn cảnh và chờ

+ Sau khoảng thời gian định lượng cụ thể trên nồi, đã có ngay món cháo rồi.

+ Rây cháo qua rây và thưởng thức.

Đối với các mom bận rộn, hoặc còn phải đi làm thì lựa chọn nồi Bear nấu cháo chậm là phương án hợp lý nhất. Đây là nồi cách thủy với nhiều tính năng vượt trội.

Cùng 1 nồi nhưng có thể vừa nấu cháo, nấu chè, nấu súp, chưng yến, hấp, hầm canh, giữ ấm. Bên cạnh đó với 3 chế độ: hầm nhanh, hầm chậm, hầm tự động đem đến nhiều lựa chọn cho các bà nội trợ sao cho phù hợp nhất với gia đình mình.

Nồi nấu cháo chậm Bear còn có chế độ hẹn giờ. Đối với các mom đi làm khoảng 5h chiều về, có thể đặt giờ nấu cháo trước thời gian đó, để khi về nhà không phải mất công chuẩn bị mà con yêu có cháo ăn ngay.

2.3. Súp sữa

Lại là một món ăn quốc dân nữa cho các mẹ thỏa sức sáng tạo với các loại thực phẩm có sẵn trong nhà.

Súp sữa có thể kết hợp nhiều loại rau củ và sữa để giới thiệu với con yêu. Có thể kể đến như: súp sữa bí đỏ, súp khoai tây sữa, súp khoai lang sữa, súp đậu hà lan sữa, súp bơ sữa, súp ngô ngọt sữa…..

Liên chỉ đưa ra công thức chung nhất để các mom có thể dựa vào đó kết hợp thêm.

sup-sua

Gạo và món súp khoai tây mix sữa mẹ

Nguyên liệu:

  • 20gr Thực phẩm rau củ quả: như đã kể trên
  • 100ml Sữa mẹ/sữa công thức

Chế biến:

Bước 1: Sơ chế thực phẩm rau củ quả kể trên

Bước 2: Hấp chín thực phẩm rau củ quả như đã kể trên. Trừ quả bơ không cần hấp

Bước 3: Rây mịn 2 lần để thực phẩm nhuyễn và trộn sữa mẹ/sữa công thức vào để thưởng thức

2.4. Đậu phụ non yến mạch

Đậu phụ non yến mạch là nguồn cung cấp protein có nguồn gốc thực vật tuyệt vời nhất với hàm lượng dinh dưỡng cao. Bổ sung thêm magie, canxi và chất béo cho bé. Đây cũng là một trong những món ăn dặm phổ biến được nhiều mom truyền tai nhau.

Nhưng món này rất dễ hỏng do tỉ lệ làm đậu chưa được hợp lý. Liên đã thử nhiều lần tỉ lệ 1:3, và lần nào cũng thành công. 1 phần yến mạch, 3 phần nước.

dau-phu-non-sot-dua-hau

Đậu phụ non sốt dưa hấu

Nguyên liệu:

  • 1 thìa Yến mạch
  • 3 thìa Nước lọc
  • Khuôn làm đậu
  • Trái cây tùy sở thích

Chế biến:

Bước 1: Ngâm yến mạch vào nước 30p sau đó chắt bỏ nước để loại bỏ nhớt

Bước 2: cho 3 phần nước vào yến mạch đem xay mịn. Lọc lấy phần nước, phần bã có thể giữ lại làm bánh ăn dặm hoặc nấu cháo cho bé.

Bước 3: Đổ hỗn hợp đã lọc vào nồi. Khuấy đều tay trên lửa vừa cho tới khi sánh đặc lại.

Bước 4: Phết  dầu vào khuôn và đổ hỗn hợp trên vào. Để ngăn mát tủ lạnh khoảng 2h là thành.

Bước 5: Rây mịn trái cây làm sốt và ăn kèm với đậu phụ non sau khi thành.

Với các mom không có máy xay có thể sử dụng bột yến mạch xay sẵn để làm cũng ok.

2.5. Đậu phụ non khoai lang

Đậu phụ non yến mạch có thành phẩm mềm, quánh. Đậu phụ non khoai lang cho thành phẩm cứng hơn, giống như thạch rau câu mà lại thơm mùi khoai và rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Tỉ lệ để làm đậu phụ non khoai lang cũng rất quan trọng vì nếu nhiều nước hay ít nước thì khoai cũng không thể đông lại được. Tỉ lệ mà Liên làm thành công là 1:1. 1 phần khoai, 1 phần nước.

Nguyên liệu:

  • 1 phần Khoai lang
  • 1 phần Nước
  • Khuôn làm đậu
  • Trái cây tùy sở thích.

Chế biến:

Bước 1: Khoai gọt vỏ cắt khoanh, xay mịn cùng 1 phần nước.

Bước 2: Rây hỗn hợp lọc lấy phần nước, phần bã giữ lại làm bánh.

Bước 3: Đổ hỗn hợp đã lọc vào nồi. Khuấy đều tay trên lửa vừa cho tới khi sánh đặc lại.

Bước 4: Phết  dầu vào khuôn và đổ hỗn hợp trên vào. Để ngăn mát tủ lạnh khoảng 2h là thành.

Bước 5: Rây mịn trái cây làm sốt và ăn kèm với đậu phụ non sau khi thành.

PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM BLW

Khi Gạo tròn 6 tháng, Liên cho Gạo ăn dặm thêm 1 bữa theo phương pháp ăn dặm BLW – phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy và dần chuyển sang ăn BLW hoàn toàn. Con yêu sẽ là ng

ười chỉ huy trong mỗi bữa ăn, quyết định ăn, quyết định dừng, ăn món nào, không ăn món nào…

Giống như ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp ăn dặm BLW cũng thiên về mùi vị sẵn có của thực phẩm. Đồ ăn chủ yếu là hấp, luộc trong giai đoạn đầu để con yêu có thể làm quen dần và không bị hóc.

Nhưng điều này không có nghĩa là bé sẽ ăn được tất cả các món ăn mà người lớn ăn. Mỗi một giai đoạn lại có 1 yêu cầu riêng về đồ ăn dành cho bé.

Ở giai đoạn bắt đầu làm quen với BLW, chế biến: chủ yếu là hấp hoặc luộc. Sơ chế thực phẩm cắt thái thành thanh dài cỡ ngón tay trỏ, độ lớn ít nhất bằng 2 ngón tay chụm lại. Nên sử dụng dao răng cưa, lượn sóng để bé cầm dễ dàng hơn.

Nếu thấy bé cầm nắm thức ăn có vẻ khó khăn, điều chỉnh lại cách thái, cắt sao cho phù hợp. Không nêm gia vị vào đồ ăn cho bé.

Thực phẩm nhóm rau củ Thực phẩm nhóm trái cây Thực phẩm nhóm ngũ cốc Thực phẩm nhóm đạm – Protein
-Măng tây

– Ngô bao tử

– Súp lơ

– Dưa chuột

– Ớt chuông

– Củ cải

– Su hào

– Bí xanh/đỏ

– Cà rốt

– Su su

– Cần tây bỏ lá

– Bầu

– Bí ngòi

– Củ đậu

– Đậu đũa bỏ hạt

– Khoai tây, khoai lang (ăn vào cuối giai đoạn tập kỹ năng, khi trẻ đã nuốt thành thạo)

– Chuối

– Táo (hấp sơ)

– Đu đủ

– Lê (hấp sơ)

– Bơ

– Dứa

– Cam

– Dưa hấu bỏ hạt

– Dưa lưới, dưa gang

– Xoài

– Đào

– Roi

-Bánh mì chuột

– Bánh mì baguette

– Bánh mì gối

– Mì udon

– Mỳ spagetty

– Nui

– Bún, bánh phở

– Bánh pancake

– Bánh bao (ăn vào cuối giai đoạn tập kỹ năng)

– Cơm nắm (ăn vào cuối giai đoạn tập kỹ năng)

-Thịt gà (nên chọn phần lườn, đùi)

– Thịt lợn

– Tôm nõn

– Cá (cá trắng nước ngọt)

– Đậu phụ (ăn vào cuối giai đoạn tập kỹ năng)

– Xúc xích (nên ăn xúc xích tự làm, ăn vào cuối giai đoạn tập kỹ năng)

2.6. Xúc xích gà rau củ.

Xúc xích gà rau củ là món ăn dặm dễ làm, dễ ăn, và bổ sung được đầy đủ 3 nhóm thức ăn: tinh bột, rau, đạm. Có thể chế biến với nhiều loại rau khác nhau, tùy theo sở thích của bé.

xuc-xich-ga-rau-cu

Nguyên liệu:

  • 50gr ức gà
  • 10gr cà rốt
  • 10gr súp lơ
  • 10gr khoai tây
  • 20g bột bắp
  • 1 lòng đỏ trứng (cho bé dưới 1 tuổi, bé trên 1 tuổi sử dụng cả quả)
  • Túi bắt kem
  • Khuôn làm xúc xích

Chế biến:

Bước 1: Sơ chế và xay nhuyễn các thực phẩm trên

Bước 2: Cho thực phẩm xay nhuyễn vào túi bắt bông kem, bóp vào khuôn

Bước 3: Hấp 20p.

Bước 4: Rán lại cho thơm, hoặc có thể không rán mà cho bé ăn luôn cũng được.

2.7. Plan bí đỏ sữa.

Khi giai đoạn ăn dặm bắt đầu, bé yêu thường sẽ bỏ bê sữa mà thích thú với đồ ăn mới. Do đó, cần nghĩ ra vài món có kết hợp với SCT để sao cho vừa bổ sung sữa, vừa bổ sung dưỡng chất cho con.

@kieulien112♬ dudada dudada – FUNNY

Nguyên liệu:

  • 1 lòng đỏ trứng (cho bé dưới 1 tuổi, bé trên 1 tuổi sử dụng cả quả)
  • 120ml sữa công thức/sữa mẹ
  • 30gr bí đỏ
  • Khuôn bánh plan

Chế biến:

Bước 1: Hấp chín bí đỏ, xay nhuyễn

Bước 2: Trộn sữa công thức/sữa mẹ, bí đỏ, lỏng đỏ trứng gà, đánh tan và lọc qua rây

Bước 3: Đổ khuôn, hấp 20p.

2.7. Nem em bé

Nguyên liệu:

  • 20gr thịt băm (sử dụng thịt Meat Deli để thành phẩm mềm hơn)
  • 5gr mộc nhĩ
  • 5gr cà rốt
  • Bánh tráng
  • 1 lòng đỏ trứng (cho bé dưới 1 tuổi, bé trên 1 tuổi sử dụng cả quả)

Chế biến:

Bước 1: Ngâm nở mộc nhĩ, sơ chế cà rốt. Tất cả băm nhỏ

Bước 2: Thịt, mộc nhĩ, cà rốt, lòng đỏ trứng trộn đều.

Bước 3: Gói nem như bình thường và đem rán chín.

2.8. Bánh bao em bé
@kieulien112Làm chút bánh bao cho Gạo ăn sáng♬ Nom Nom Nom Nom Nom Nom Nom – Parry Gripp

Nguyên liệu:

  • 25ml sữa công thức/sữa mẹ
  • 1gr men nở
  • 3ml dầu ăn
  • 50gr bột mì
  • 15gr bột bắp

Chế biến:

Bước 1: pha hỗn hợp nước: 25ml sữa, 1gr men nở, 3ml dầu ăn lắc đều (lưu ý không trộn)

Bước 2: Pha hỗn hợp bột 50gr bột mì, 15gr bột bắp

Bước 3: Đổ lần lượt hỗn hợp nước vào hỗn hợp bột.

Bước 4: Nhào bột trong vòng 15p cho bột mịn. Ủ bột 1h

Bước 5: Nhào sơ lại, nặn hình tùy thích và đem hấp 10p – 20p tùy độ to nhỏ của bánh.

2.9. Bánh trứng nướng

Nguyên liệu

  • 25gr bột bắp
  • 250ml sữa công thức/sữa mẹ
  • 1 lòng đỏ trứng (cho bé dưới 1 tuổi, bé trên 1 tuổi sử dụng cả quả)

Chế biến:

Bước 1: trộn đều các nguyên liệu trên, rây qua rây cho mịn

Bước 2: Đảo hỗn hợp trên lửa nhỏ, đều tay liên tục. Tới khi bột nặng tay là chín.

Bước 3: Đổ khuôn để ngăn mát 3 tiếng để đông lại.

Bước 4: Xắt miếng vừa ăn, phết thêm lòng đỏ trứng xung quanh và nướng 200 độ trong 10p

Hy vọng rằng với những thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đầy đủ chất dinh dưỡng này phần nào sẽ san sẻ nỗi lo với các mom khi bí món nấu ăn dặm cho con. Liên chưa biết làm tiktok nên không thể quay video được. Những phần chưa hiểu các mom có thể hỏi lại Liên nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *