Skip to content
Home » Tác hại của việc cho trẻ ăn vặt và những lưu ý khi cho trẻ ăn vặt (2022)

Tác hại của việc cho trẻ ăn vặt và những lưu ý khi cho trẻ ăn vặt (2022)

Ăn vặt là một trong những thói quen rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Cho trẻ ăn vặt không kiểm soát mang đến nhiều tác hại, vậy cần lưu ý khi cho trẻ ăn vặt là gì? Các mom hãy cùng Liên tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Các nhà khoa học từng cảnh báo: “Ăn vặt có thể giết chết sự thèm ăn và thói quen không nên duy trì ở trẻ đang độ tuổi nhỏ”. Tuy nhiên, đó là khi các mom để trẻ ăn không kiểm soát và ăn theo sở thích, thiếu khoa học.

1. Lợi ích của việc cho trẻ ăn vặt

  • Ăn vặt giúp ổn định lượng đường trong máu:

Sau bữa ăn chính khoảng 3h, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống. Việc cho trẻ ăn vặt giúp cung cấp một lượng nhỏ thức ăn sẽ giảm các cảm giác đói cồn cào, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và cân bằng lượng đường trong máu

  • Ăn vặt giúp cung cấp thêm dinh dưỡng cho trẻ có dạ dày nhỏ:

Riêng với những trẻ được bác sĩ chỉ định là có dạ dày nhỏ hơn mức bình thường, các bữa chính thường ăn ít và nhanh no. Điều đó đồng nghĩa với việc tiêu hóa cũng nhanh và không chịu được khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài.

Vì vậy trẻ cần được bổ sung thêm thức ăn để tăng cường dinh dưỡng.

  • Ăn vặt giúp tăng khả năng tập trung:

Ở tron cơn đói cồn cào sẽ khó tập trung vào việc học tập. Lựa chọn món ăn dặm thêm khi đó giống như thêm nhiên liệu cháy chậm, cung cấp thêm năng lượng cho bé.

Nếu ăn đồ ăn có nhiều protein trẻ sẽ tăng khả năng tập trung và sự tỉnh táo

tac-hai-cua-viec-cho-tre-an-vat

2. Tác hại của việc cho trẻ ăn vặt

Việc cho trẻ ăn vặt vô tội vạ, lựa chọn các sản phẩm đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc không ăn đúng cách có thể gây ra những tác hại lâu dài cho sức khỏe

  • Ăn vặt làm mất cảm giác ngon miệng

Nếu thường xuyên ăn linh tinh thì khái niệm về các bữa ăn chính gần như sẽ biến mất. Cảm giác no, ngán ăn không ngon miệng bắt đầu xuất hiện.

Một quy trình ăn uống phản khoa học sẽ lặp đi lặp lại liên tục: ăn không đủ lượng khiến dạ dày cảm thấy đói chỉ sau khi ăn vài giờ và rồi sau đó lại tiếp tục ăn vặt để chống đói.

Kéo theo hiện tượng trên chính là rối loạn ăn uống. Ăn ngoài giờ quá nhiều sẽ gây ra tinh trạng ăn uống vô độ và không thể kiểm soát.

Cũng giống như phương pháp nuôi con theo EASY, các mom cần thiết lập giờ ăn giống như việc thiết lập lịch sinh hoạt cho bé vậy. Cần nhất quán và tuân thủ, chỉ cần 1,2 lần chệch ra khỏi guồng sinh hoạt là con sẽ không biết đâu là bữa chính cần ăn no, đâu là bữa phụ chỉ ăn bổ sung.

Và điệp khúc, con lười ăn, biếng ăn trong bữa chính, mẹ cho ăn vặt vì sợ con đói. Rồi ăn vặt nhiều quá tới bữa chính lại lười ăn, biếng ăn, và mẹ lại tiếp tục lại cho ăn vặt…. điệp khúc này sẽ kéo dài mãi giống như việc bé không theo EASY, cả ngày lẫn đêm chỉ khóc, đòi ti, cáu gắt, ngủ ít, rồi lại khóc, đòi ti, cáu gắt, ngủ ít…..

  • Ăn vặt khiến trẻ tăng cân, béo phì

Nếu việc ăn uống ngoài giờ trở thành thói quen thì nó rất dễ khiến cơ thể bị rơi vào tình trạng tăng cân, béo phí. Đây là mối nguy hiểm hiện hữu ngay trước mắt.

Đồ ăn vặt dành cho bé thường là các món chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường. Các loại thực phẩm này rất dễ khiến cơ thể của trẻ rơi vào tình trạng thừa cân, tăng cân mất kiểm soát

Vì vậy hãy kiểm soát ăn vặt để tránh hiện tượng tăng cân không mong muốn

luu-y-khi-cho-tre-an-vat

Gạo ăn vặt với bánh trứng nướng

  • Ăn vặt khiến trẻ dễ bị sâu răng

Việc lựa chọn đồ ăn vặt là các sản phẩm chứa nhiều đường, tinh bột và không có biện pháp vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ, đặc biệt là vào buổi tối.

Đồ ăn chứa nhiều đường thường mắc ở các kẽ răng của trẻ và là mồi ngon cho vi khuẩn tạo thành các mảng bám xung quang răng miệng và dẫn tới viêm lợi, sâu răng.

  • Ăn vặt gây ra các vấn đề khác về sức khỏe

Một số bệnh lý có thể xuất hiện nếu trẻ có thói quen ăn uống thiếu khoa học ví dụ như: tim mạch, tiểu đường, gan, thận, tiêu hóa….

Các loại đồ ăn nhanh chứa nhiều phụ gia phẩm màu độc hại. Các loại phẩm màu này đều có nguồn gốc từ than đá (coal tar) hoặc dầu mỏ (petroleum) và đều rất độc hại cho sức khỏe con người. Chúng là nguyên nhân gây ung thư, Tổn thương hệ thần kinh, gây tăng động giảm chú ý ở trẻ, hoặc các bệnh lý dị ứng….

3. Những lưu ý khi cho trẻ ăn vặt

Để việc cho trẻ ăn vặt đem lại hiệu quả cao nhất cho sức khỏe của trẻ nhỏ, quý phụ Huynh nên tham khảo những lưu ý sau:

  • Hình thành thói quen ăn vặt lành mạnh cho trẻ

Về cơ bản, các món ăn vặt là nguồn cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, hạn chế cơn đói giữa các bữa ăn và ổn định lượng đường trong máu. Một món ăn vặt được cho là thông minh khi chứa từ 100 – 200 calo và cung cấp được các vitamin, khoáng chất, protein hoặc chất xơ cần thiết.

Tuy nhiên trước sự nở rộ của thức ăn vặt hiện nay như snack, bỏng ngô, thực phẩm đóng hộp, xúc xích, kẹo bánh, nước ngọt có ga, thức ăn chiên rán… thì việc đảm bảo dưỡng chất cũng như sử dụng hợp lý các món ăn vặt là điều khó có thể thực hiện.

Những thực phẩm mà cha mẹ cho trẻ ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng tới khẩu vị của con. Để con dần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cha mẹ cần lưu ý trong việc lựa chọn đồ ăn vặt cho con

Tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh như: bim bim, xúc xích, đồ chiên rán, nước ngọt có ga, bỏng ngô…

Lựa chọn các món ăn vặt có lượng chất béo, đường và muối thấp.

Giới hạn lượng thực phẩm không lành mạnh, nếu cho trẻ tiếp cận với loại thực phẩm này

Học thêm cách chế biến các món ăn vặt lành mạnh dễ làm như: bánh flan, sinh tố, sữa chua…..

cho-tre-an-vat

Liên tự làm bánh quy cho Gạo ăn vặt

  • Lựa chọn thời gian cho trẻ ăn vặt

Những món ăn vặt ngon tốt nhất nên cho bé ăn vào thời gian ở giữa 2 bữa ăn chính. Đó là buổi sáng, khoảng 9h nếu bé dậy lúc 7h. Buổi chiều khoảng 3h và trước khi đi ngủ 1 tiếng. Nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn ngọt trước khi đi ngủ để tránh sâu răng.

Bản thân Liên, vì Gạo hay dậy lúc 7h30 nên Liên cho Gạo ăn vặt lúc 9h30, buổi chiều thường sẽ vào 3h30 nếu Liên ở nhà. Còn không thì Gạo chỉ uống sữa vào bữa chiều.

Bữa phụ tối sẽ ăn sau khi tắm xong khoảng 19h30 và Gạo sẽ ăn sữa ngay sau đó, vào khoảng 20h.

  • Lựa chọn đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe của trẻ.

Chọn những món ăn vặt có lượng chất béo, muối và đường thấp, thuộc vào món ăn vặt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Các chuyên gia chỉ ra rằng, những món ăn vặt tốt cho sức khỏe trẻ ít muối, ít đường, ít béo thường không thơm, vị không được ngon nên không phải là món ăn mà trẻ thích ăn nhất.

Nhưng, khẩu vị và hứng thú của trẻ do bố mẹ tạo ra. Các mom nên bắt đầu hình thành cho trẻ khẩu vị ăn nhạt ngay từ lần đầu tiên. Trẻ nhỏ đã quen với gia vị dần dần sẽ thành nếp, thành khẩu vị riêng.

Riêng Gạo, ngay từ khi mới bắt đầu ăn dặm Liên đã lựa chọn phương pháp ăn BLW và thực phẩm chủ yếu được chế biến bằng phương pháp, hấp, luộc, không nêm gia vị.

Ngay cả đồ ăn vặt cho Gạo Liên cũng tự tay làm, hạn chế muối, đường, chất béo và các chất phụ gia. Liên tự làm sữa chua bằng sữa mẹ/sữa công thức, bánh quy, bánh flan, bánh tart khoai lang…..

cho-tre-an-vat

Bánh Tart khoai tím cũng là 1 món ăn vặt khoái khẩu của Gạo

Và đương nhiên là Liên lựa chọn rất kỹ khi cho Gạo sử dụng đồ ăn vặt mua sẵn. Thường sẽ đọc thông tin sản phẩm dành cho bé trong độ tuổi nào, kế đến mới nhìn thành phần của đồ ăn. Nói không với các loại đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe.

4. Điểm danh như các món ăn vặt cổng trường ngon nhưng độc hại

Khi cuộc sống ngày càng đầy đủ, chuyện cho trẻ tiền ăn vặt sau mỗi giờ tan học gần như đang rất phổ biến. Cũng vì vậy, những gánh hàng rong, quán ăn vặt ngày càng nhiều, những món ăn vặt cũng đa dạng và giá rẻ. Nhiều phụ huynh dù biết việc ăn vặt bừa bãi không có lợi cho trẻ nhưng đôi khi vì nuông chiều con cái mà các mẹ vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.

Các món ăn vặt dưới đây các mom nên hạn chế cho trẻ ăn để bảo vệ sức khỏe cho bé nhé.

  • Xúc xích

Không biết từ bao giờ xúc xích đã trở thành món ăn vặt ngon đường phố được nhiều trẻ yêu thích. Từ nhà ra phố, từ quán ăn tới gánh rong ven đường đều bày bán xúc xích. Giống nhau về hình thức và cách chế biến nhưng khác hoàn toàn về giá cả. Một cây xúc xích ở cổng trường chỉ có giá vài ngàn được chế biến từ nguyên liệu như thế nào ngay cả người bán đôi khi cũng không biết.

Xúc xích giàu năng lượng nhưng lại rất ít dinh dưỡng, không có lợi cho sức khỏe trong quá trình phát triển của trẻ. Vì trong xúc xích có hóa chất, chất phụ gia, chất bảo quản, buộc gan phải hoạt động rất nhiều lần để giải độc cho cơ thể. Chưa kể đến xúc xích được bán rong có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, được chế biến từ thịt ôi thiu dễ gây ngộ độc thực phẩm.

  • Bánh snack (bim bim)

Bất kỳ ở đâu, trong trường, trên xe máy hay ở nơi vui chơi công cộng, món ăn vặt này cũng được tất cả trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng: Nếu mỗi ngày ăn một gói bim bim thì trung bình một năm, cơ thể trẻ sẽ tồn tại thêm 5 lít dầu. Các chất béo chuyển hóa, muối, chất phụ gia có trong snack dễ khiến thận bị quá tải, tim làm việc quá sức, trẻ dễ bị sâu răng, béo phì, lười ăn.

  • Thịt bò cay siêu rẻ

Có những loại thịt bò cay cay, ngọt ngọt được bán với giá siêu sốc: 3000đ- 5000đ. Làm một phép so sánh giản đơn nhất giá thịt bò Việt bán ở chợ tính từng lạng cũng trên dưới 20.000đ thì chắc chắn nguyên liệu trong các gói bò kia không thể là bò.

Và Cục Quản lý nông, lâm, thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã đưa ra bản kết luận về các loại sản phẩm bò thơm cay này: Theo kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm sườn bò này không có thịt nói chung và thịt bò nói riêng. Thành phần chính được ghi trên nhãn gồm bột mỳ, nước, dầu thực vật, đường, muối, ớt, bột gia vị, mỳ chính và phụ gia hương liệu.

  • Xí muội, ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ

Nếu các học sinh nam mê xúc xích thì nhiều bạn gái mê ô mai, xí muội được đóng gói nhỏ hoặc bán riêng lẻ mà không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi kiểm nghiệm, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã đưa công bố những loại sản phẩm có chứa chất cấm cyclamate và đường saccharin với hàm lượng vượt hơn 31 lần so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Chất cyclamate được biết đến có thể gây ung thư gan, thận, phổi và tiểu đường.

  • Trà sữa trân châu

Trong danh sách các món ăn đường phố trước cổng trường cũng không thể không kể tên trà sữa trân châu. Thức uống này từ khi du nhập vào Việt Nam, đã tạo nên “cơn sốt” ở mọi tầng lớp không riêng gì trẻ tiểu học.

Tuy nhiên, ly trà sữa 10.000đ -12.000đ lại không chứa sữa cũng không có trà. Thành phần của nó đa phần là kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu.

Không những không có chất dinh dưỡng mà món ăn vặt này chứa một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều rất không tốt cho sức khỏe.

Ở một phương diện nào đó, ăn vặt thường xuyên được mặc định là có hại cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt, nếu hiểu đúng cách thì thói quen ăn uống này không hẳn là không có lợi.

Do đó cần nhìn nhận đúng Tác hại của việc cho trẻ ăn vặt và những lưu ý khi cho trẻ ăn vặt để có thể mang đến những điều tôt nhất cho con yêu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *