Phương pháp ăn dặm BLW (Baby Led Weaning) khi dịch ra tiếng Việt được gọi là phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy. Đúng như tên gọi của nó, phương pháp này cho bé cơ hội được là người chỉ huy hành trình ăn dặm của mình.
Chính bản thân con yêu – chứ không phải bất kỳ ai khác sẽ là người quyết định bao giờ mình sẽ sẵn sàng ăn dặm, ăn như thế nào, ăn bao nhiêu và ăn cái gì. Bé cũng tự quyết định tiến trình ăn dặm theo nhịp điệu riêng của bản thân như khi nào thì chuyển từ cầm nắm cả bàn tay sang bốc nhón…
Vai trò của cha mẹ trong phương pháp ăn dặm BLW không phải là người quyết định và điều khiển như khi đút thìa mà chỉ là người cung cấp những thực phẩm bổ dưỡng và phù hợp với các kỹ năng của bé. Ngoài ra, cha mẹ là người giám sát sự an toàn của bé trong giai đoạn mới tập ăn cũng như điều chỉnh các hành vi xấu khi ăn của con.
1. Thời điểm quyết định lựa chọn 1 phương pháp ăn dặm phù hợp cho bé.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Vì thời gian này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chính nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hợp so với sữa mẹ.
Trẻ thực sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.
Từ khuyến cáo trên, những chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24.
2. Những biểu hiện nhận biết trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm.
Giai đoạn 6 tháng tuổi là một cột mốc quan trọng, giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”. Nhưng khi bé được 5.5 tháng tuổi, nếu thấy bé có những dấu hiệu dưới đây, thì có thể cho bé thử sức với phương pháp ăn dặm BLW
- Bé đã có thể ngồi vững mà không cần hoặc cần ít sự trợ giúp của người lớn. Trẻ đã bết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng. Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ lựa chọn được món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.
- Gặm đồ chơi và có vẻ như đang nhai chúng
- Bé với tay chộp lấy đồ ăn và đưa vào mồm chính xác
- Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà cha mẹ cho ăn.
3. Lợi ích của phương pháp ăn dặm BLW – phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy
3.1. Đối với bé
- Sử dụng các giác quan “siêu Việt”.
+ Mắt: thông qua màu của thực phẩm có thể phân biệt rõ ràng các màu sắc
+ Vị giác: nếm trải nhiều hương vị ngay từ khi bắt đầu
+ Mũi: Ngửi mùi vị riêng của từng loại đồ ăn và cảm thấy thú vị khi thưởng thức
+ Tay: Học các sử dụng tay để cảm nhận và xử lý các loại hình dạng, kích cỡ, kết cấu của thức ăn
+ Lưỡi: luyện tập phản xạ đẩy lưỡi, xử lý thức năng thành thạo
+ Hàm: Tạo tiền đề cho quá trình tập nói sau này.
- Kỹ năng vượt trội: Bé sẽ sớm phát triển kỹ năng phối hợp giữa tay, mắt khi tìm cách đưa thức ăn vào miệng. Tự lập và tự chăm sóc bản thân tốt khi không có cha mẹ bên cạnh.
- Khéo léo và khỏe mạnh: Sử dụng ngón tay linh hoạt hơn. Hệ tiêu hóa được tập dượt để đảm bảo có thể dễ dàng tiêu hóa, hấp thụ năng lượng
- Hứng thú với bữa ăn: Phương pháp ăn dặm BLW khiến bé hiểu rằng “Ăn” là quyền lợi của bé, là điều bé đang mong chờ chứ không phải là nghĩa vụ
-
Thực đơn ăn dặm BLW của Gạo
3.2. Đối với cha mẹ
- Kỹ năng dọn dẹp: dù có lười tới mức nào đi nữa thì khi lựa chọn phương pháp ăn dặm BLW các bậc cha mẹ đều phải dọn dẹp ít nhất 1 ngày 1 lần, vì BLW thực sự rất bừa bộn.
- Kỹ năng biết lắng nghe: BLW không phải để trẻ tự ngồi với đồ ăn, BLW đòi hỏi cha mẹ cần bên cạnh con trong các bữa ăn, lắng nghe con khi nào con đã no rồi, khi nào con chán ăn, khi nào con cần ra khỏi ghế, khi nào cần hỗ trợ con tống dị vật ra ngoài.
- Kỹ năng biết chờ đợi: Đúng vậy, khi bắt đầu thực hiện phương pháp ăn dặm BLW, không phải bé nào cũng vồ lấy thức ăn và ăn lấy ăn để. Có bé chỉ cầm thức ăn và chơi, ném lung tung, hoặc đơn giản là bôi đầy hết người vì bé nghĩ mình đang được chơi. Cha mẹ cần phải chờ đợi, chờ đợi tới khi con ăn hùng hục như máy xay sinh tố vậy.
- Kỹ năng nhẫn nhịn: Lựa chọn phương pháp ăn dặm BLW nghĩa là cha mẹ cần luôn vững tin vào lựa chọn của mình. Sẵn sàng đương đầu mọi rào cản từ những người xung quanh. Điều đó thực sự mệt mỏi, nhưng nếu đủ nhẫn nhịn, đủ bình tĩnh và chờ đợi sóng gió rồi sẽ qua đi và sẽ đến ngày thành quả của cha mẹ được đền đáp.
Gạo ăn dặm theo phương pháp BLW cực thích thú, bố mẹ nhàn tênh
4. Cần chuẩn bị những gì khi áp dụng phương pháp ăn dặm BLW.
Cũng như nuôi con nhàn tênh theo phương pháp EASY, Phương pháp ăn dặm BLW cũng cần có những công cụ dụng cụ nhất định để việc ăn của con được diễn ra tốt nhất. Tùy vào điều kiện gia đình và các giai đoạn ăn dặm mà bổ sung cho bé những dụng cụ ăn dặm và dụng cụ chế biến phù hợp
- Ghế ăn dặm kèm khay ăn: Ghế ăn dặm giúp bé ngồi thẳng lưng, khay ăn dính liền tạo sự thuận lợi tiện cho việc bày đồ ăn đúng tầm mắt và tầm với của trẻ. Tạo cho bé thói quen ăn uống tốt, chỉ ăn khi ngồi vào ghế và không chạy nhảy lung tung khi ăn. Giảm nguy cơ hóc và sặc thức ăn.
- Yếm ăn: là vật dụng giữ vệ sinh cho bé. Một số loại yếm có máng còn để đựng thức ăn rơi của bé và bé có thể bốc ăn những thức ăn rơi trong máng của mình.
- Nilon to/áo mưa hoặc giấy báo: Lót dưới chân ghế ăn dặm và xung quanh ghế ăn dặm. Sử dụng cho những gia đình muốn giữ vệ sinh khu vực ăn uống của bé.
- Hộp đựng thực phẩm: bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
- Khay ăn: Đựng thức ăn cho bé
- Dao lượn sóng: Bé sẽ sử dụng tay bốc ăn hoàn toàn do đó cần có dao lượn sóng cắt đồ ăn để bé có thể cầm nắm dễ hơn.
- Khuôn bánh, khuôn cơm: sử dụng trong cách trường hợp nắm cơm, làm bánh ăn dặm cho bé
- Nồi hấp/ luộc/ chảo rán chuyên dụng cho việc ăn dặm
5. Lưu ý về an toàn
Dù bậc cha mẹ nào cũng không mong muốn tình huống hóc có thể sảy ra nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con trong mọi trường hợp (kể cả khi bé đang không ngồi ăn). Cha mẹ cũng nên tham khảo những kiến thức về cách thực hiện cấp cứu khẩn cấp khi trẻ bị hóc.
5.1. Kỹ thuật cấp cứu cho trẻ dưới 1 tuổi
Bước 1: Vỗ lưng
- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng dựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay. Nếu bé quá nặng, có thể đặt bé nằm xuống đùi.
- Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa 2 xương bả vai của trẻ)
- Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả, chuyển sang động tác ấn ngực
Bước 2: Ấn ngực
- Đặt bé nằm trên đùi với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
- Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng những ngón còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
5.2. Kỹ thuật cấp cứu cho trẻ trên 1 tuổi
- Vỗ lưng: ngồi hoặc đứng sau trẻ, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng trẻ ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần tại vùng giữa 2 vai.
- Đẩy bụng: Ngồi hoặc đứng sau trẻ, 2 tay ôm quanh eo trẻ. Nắm 1 bàn tay và đặt lên vùng thượng vị, bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy, kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần.
Chú ý: Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng hoặc cho trẻ uống nước. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ làm cho dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sung tấy, trẻ càng khó thở hơn.
Cha mẹ và người phụ chăm sóc nên tham gia khóa huấn luyện về sơ cấp cấp cứu để trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu khẩn khi cần thiết.
6. Những hiểu nhầm khi cho con ăn theo phương pháp ăn dặm BLW
- Ăn thô thế thủng dạ dày đấy.
Phần lớn người Việt Nam cho rằng dạ dày hoạt động theo cơ chế của 1 chiếc máy xay sinh tố, nghĩa là bỏ thức ăn vào và dạ dày sẽ xay nhỏ thức ăn. Do đó với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chúng ta mặc định thức ăn thô dạ dày sẽ “không xay được” gây tổn thương dạ dày, thậm chí là nghĩ sẽ bị bục dạ dày.
Đường tiêu hóa là một đường ống uốn lượn xuyên suốt chiều dài cơ thể. Các bộ phận trong hệ tiêu hóa gồm: Khoang miệng làm nhiệm vụ nhai và nuốt.
Cuống họng: là đường đi của thức ăn dẫn tới thực quản
Thực quản: xuyên suốt phần trên và phần dưới của khoang ngực, nối cuống họng với dạ dày dùng để vận chuyển thức ăn.
Dạ dày: dẫn đến ruột non và cuối cùng là ruột già. (đại tràng)
Trước khi vào tới dạ dày thì thức ăn đã được tiêu hóa ngay tại khoang miệng rồi. Bé sẽ phải nhai để làm nhỏ thức ăn và trộn thức ăn với nước bọt. Trong nước bọt có emzim tiêu hóa để tiêu hóa các thành phần thức ăn rồi.
Trên quãng đường đi tới dạ dày của mình, thức ăn còn qua bao nhiêu khâu, bao nhiêu bộ phận phòng ban khác mới tới được tới nơi cần tới. Vậy thì làm sao mà ăn thức ăn thô làm thủng dạ dày được.
Đồ ăn dành cho con luôn được hấp, luộc kỹ và rất mềm, không hề có chuyện ăn thô thủng dạ dày nhé
- Không có răng không nhai được.
Khi được 6-7 tháng tuổi, phần lớn các bé chỉ mới có vài cái hoặc như Gạo là chẳng có cái răng nào. Sự hình thành cấu trúc của hàm và răng bắt đầu diễn ra từ rất sớm, vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, khoang miệng đã dần hình thành hình dáng hàm răng.
Trải qua nhiều quá trình phát triển trong thời kỳ mang thai, khi sinh ra em bé có 1 lớp đệm nướu mà thường hay gọi là “lợi”. Nhiều người thường nghĩ rằng “lợi” của em bé mềm và yếu. Nhưng thử hỏi 1 bà mẹ cho con bú xem khi ngứa lợi thì con cắn đau cỡ nào.
Liên không cho con bú trực tiếp mà vắt sữa cho Gạo bú bình, nhưng khi thấy 1 vài người bạn kể lại rằng đau buốt tận óc, Liên mới thấy “bộ nhá” thời kỳ sơ khai này thật lợi hại.
Ban đầu Liên sợ Gạo không ăn được đồ cứng, thấy mấy công thức trên mạng bảo hấp táo lên cho con ăn. Liên cũng tèn tèn đi hấp, nhưng Gạo không thèm ăn táo hấp mà toàn bóp nát.
Cho tới 1 hôm, Liên thấy Thôi Chấn Vinh gọt táo và đưa cho Gạo gặm cả miếng. Gạo gặm ngon lành hết vèo nửa quả. Cắn khực khực từng miếng nhỏ và tự nuốt mà chả cần hấp hay luộc gì cả.
Không có răng Gạo vẫn nhai bằng lợi bình thường nha.
Không cần răng Gạo vẫn gặm dc cà rốt nhé
- Ăn thô có hóc không
Ở người lớn, phản xạ ọe thường được khởi động ở phần cuống lưỡi do đó khi dị vật vào tận bên trong phạn xạ ọe đã kích hoạt để đẩy dị vật ra ngoài. Còn với các bé 6 tháng tuổi thì phản xạ ọ được kích hoạt ngay đầu lưỡi nên bé dễ ọe hơn so với người lớn.
Phản xạ ọe thực tế còn hữu ích trong việc hỗ trợ bé tự học cách tự xử lý thức ăn an toàn. Sau một vài lần ọe do nuốt miếng quá to hay cho quá nhiều thức ăn vào mồm thì bé sẽ tự định lượng được đồ ăn cho vào mồm.
Có rất nhiều phụ huynh hiểu lầm ọe và hóc giống nhau và cảm thấy lo sợ khi bé ho, sặc và nôn trớ ra thức ăn. Tuy nhiên ho và ọe ra thức ăn thực chất lại là dấu hiệu cho thấy bé đang tự giải quyết được vấn đề.
Ngược lại, một em bé thực sự bị hóc thường sẽ im lặng, mặt tím ngắt hoặc đỏ tím, không thể ho, khóc hay kêu vì lúc này đường thở đã bị dị vật bít hoàn toàn. Đây là dấu hiệu nguy cấp và lúc này bé cần được trợ giúp đẩy dị vật ra.
Chú ý:
Chỉ cần cha mẹ không cho con ở một mình cùng đồ ăn, luôn cho bé ngồi thằng lưng, để bé tự chủ động điều tiết việc ăn uống của bản thân và học sơ cứu khi bé hóc dị vật thì việc lựa chọn phương pháp ăn dặm BLW là cực kỳ an toàn