Bước vào thời kỳ 6 tháng tuổi, điều quan tâm duy nhất của các mom dành cho bé yêu có lẽ chính là ăn dặm. Trước rất nhiều phương pháp ăn dặm đang có hiện nay thì việc lựa chọn phương pháp ăn dặm nào cho phù hợp với bé yêu và với lịch sinh hoạt của cả gia đình là một nỗi lo lớn đối với các mom.
Việc cho trẻ ăn dặm không đúng cách có thể khiến trẻ trở nên biếng ăn và suy dinh dưỡng.
1. Thời điểm quyết định lựa chọn 1 phương pháp ăn dặm phù hợp cho bé.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Vì thời gian này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chính nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hợp so với sữa mẹ.
Trẻ thực sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.
Từ khuyến cáo trên, những chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24.
2. Những biểu hiện nhận biết trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm.
Giai đoạn 6 tháng tuổi là một cột mốc quan trọng, giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”. Tuy nhiên để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, các mom cần dựa vào những biểu hiện sau đây của bé
- Cân nặng tăng gấp đôi so với cân nặng khi mới sinh
- Trẻ đã bết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng
- Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ lựa chọn được món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.
- Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà cha mẹ cho ăn.
3. Các phương pháp ăn dặm hiện có.
3.1. Phương pháp ăn dặm BLW
Phương pháp ăn dặm BLW là phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy. Phương pháp này áp dụng khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên bỏ qua giai đoạn thức ăn xay và nghiền mà bước thẳng sang giai đoạn ăn thức ăn thô được luộc, hấp giống người lớn.
Với phương pháp ăn dặm này, bé sẽ tự chọn và ăn thức ăn mình muốn với lượng thức ăn theo nhu cầu mà không cần sự trợ giúp từ người lớn.
Thức ăn cho bé thường là được cắt thành từng miếng mềm để bé có thể cầm trên tay thay vì được đút bằng muỗng. Về cơ bản, bố mẹ có thể cắt đồ ăn của người lớn thành miếng dễ cầm rồi cho vào đĩa hoặc khay của bé để bé có thể tự ăn theo cách bé muốn và theo nhu cầu của bản thân.
Thực đơn 1 bữa ăn dặm BLW của Gạo
Phương pháp ăn dặm BLW này giúp bé rèn luyện kỹ năng nhai, kỹ năng cầm nắm, kỹ năng đưa thức ăn vào miệng, điều chỉnh lượng ăn vừa đủ để không hóc và biết dừng khi no bụng, tự nắm bắt nhu cầu của mình.
Ưu Điểm |
Nhược điểm |
-Làm quen được với nhiều loại thực phẩm có kết cấu và hương vị khác nhau. Phát triển sở thích ăn uống đa dạng và lành mạnh, tạo tiền đề cho tương lai về sau.
– Ít có nguy cơ bị thừa cân hơn so với trẻ được đút ăn. Trẻ có khả năng nắm bắt nhu cầu của bản thân và biết dừng khi đã no mà không cố ăn thêm. – Phát triển kỹ năng nhai, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. – Phát triển kỹ năng vận động tinh: Việc dùng tay tự bốc thức ăn khuyến khích bé sử dụng tay 1 cách khéo léo, biết phối hợp giữa tay và mắt. – Mẹ nhàn hơn khi không cần phải chế biến quá cầu kỳ vì thực đơn ăn của con cũng gần giống như của gia đình -Rèn luyện ăn uống một cách nhiêm tức, không xem tivi hay điện thoại khi ăn |
– Do không đặt nặng vấn đề cân nặng, BLW chú trọng phát triển kỹ năng nên đôi khi khiến các mom cảm thấy xót ruột vì con không ăn được nhiều, cân nặng bị chững.
– Bé dễ bị hóc do tự bốc thức ăn. Đòi hỏi người chăm sóc phải có những kiến thức nhất định về sơ cứu hóc dị vật, luôn thật bình tĩnh xử lý tình huống. Vững tin vào phương pháp. – Tỉ lệ thành công thường thấp vì bản thân người mẹ chịu áp lực tâm lý rất nhiều từ gia đình. – Khu vực ăn uống của con sẽ rất bừa bộn. Các bé tự cầm đồ ăn nên việc tránh cho tình trạng đồ ăn vung vãi khắp nơi là không thể. – Chống chỉ định với các mom nóng tính, do phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì ở người chăm sóc rất nhiều |
Gạo ăn dặm theo phương pháp BLW
3.2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là sự phối hợp các loại thực phẩm khác nhau để tạo nên thực đơn ăn dặm đa dạng, ngon miệng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Nhờ đó kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt và hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, các mom không dùng tới cối xay khi chế biến. Thay vào đó, các mom sẽ sử dụng cối giã và rây để làm mịn thức ăn giúp bé dễ nuốt và cảm nhận được đầy đủ hương vị, tính chất của món ăn.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đề cao tính thẩm mỹ của mỗi bữa ăn. Vì thế mỗi bữa ăn của các bé thường được trang trí rất cầu kỳ, nhiều màu sắc, đẹp mắt. Việc này sẽ tăng sự hứng thú và tập trung của bé đối với mỗi bữa ăn.
Gạo ăn dặm kiểu nhật khi đủ 5,5 tháng
Món ăn quốc dân và cũng là món ăn phổ biến nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chính là cháo rây theo từng tỉ lệ phù hợp. Tùy vào tháng tuổi của bé mà độ đặc của cháo sẽ tăng dần.
- 6 tháng: tỉ lệ 1:10
- 7-8 tháng: ti lệ 1:7
- 9-11 tháng: tỉ lệ 1:5
- 12-18 tháng: tỉ lệ 1:2
Ưu điểm |
Nhược điểm |
-Rèn luyện ăn uống một cách nhiêm tức, không xem tivi hay điện thoại khi ăn.
– Giúp bé không bị nhàm chán vì được ăn đa dạng các thức ăn từ loãng tới đặc. Tỉ lệ nước ít dần theo tháng tuổi tăng độ đặc của thức ăn giúp bé dần làm quen và thích nghi được với kết cấu của thức ăn. – Rèn luyện khả năng nhai và nuốt, hạn chế hóc hơn BLW do thức ăn đã được rây kỹ, vẫn còn lợn cợn đồ ăn, không quá mịn như máy xay như ăn dặm truyền thống. – Kích thích khả năng vị giác của bé, rèn luyện khả năng làm quen tốt với các mùi vị của thực phẩm. Việc trình bày món ăn bắt mắt thu hút bé, tăng sự hứng thú với bữa ăn. Giảm sự biếng ăn. – Đảm bảo an toàn cả về dinh dưỡng, tiêu hóa và kỹ năng ăn cho bé. |
– Không phù hợp với những bà mẹ bận rộn do phải mất quá nhiều thời gian vào việc chế biến đồ ăn cho con. Từ khâu lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu, trang trí bữa ăn và dọn dẹp vệ sinh.
– Lượng ăn mỗi lần rất ít gây khó khăn trong việc nấu nướng. Dụng cụ chế biến cầu kỳ và lích kích. – Do lượng thức ăn ít nên mỗi lần nấu đều phải trữ đông, khi ăn mới rã đông 1 lương vừa đủ. Việc bảo quản đông lạnh khiến thực phẩm kém phần tươi mới. – Chú trọng vào việc cho bé làm quen với đồ ăn nên cân nặng sẽ không được như kỳ vọng của ăn dặm truyền thống, nhưng sẽ nhỉnh hơn phương pháp ăn dặm BLW. |
Gạo kết hợp ăn kiểu Nhật và ăn BLW
3.3. Phương pháp ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp quen thuộc nhất với các bà mẹ Việt và vẫn được sử dụng từ bao đời nay. Trẻ sẽ được ăn bột khi bắt đầu chặng đường ăn dặm của mình. Bắt đầu từ bột ngọt -> tới bột mặn.
Sau khi trải qua thời kỳ ăn bột khẩu phần ăn sẽ được bổ sung thêm với sự kết hợp từ thịt, cá, rau củ xay nhuyễn và trộn lẫn. Khi mọc răng hoặc lớn hơn, trẻ sẽ được chuyển hẳn sang cháo kết hợp với thực phẩm xay nát.
Ưu điểm |
Nhược điểm |
-Bé có thể ăn với số lượng nhiều ngay từ khi bắt đầu.
– Cân nặng duy trì và tăng cân thường xuyên. – Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình vì là phương pháp đã ăn sâu vào tiềm thức và vấn đề cân nặng được giải quyết hoàn hảo. |
– Quá chú trọng chất và lượng thức ăn được nạp vào cơ thể bé. Tăng nguy cơ béo phì
– Chậm phát triển các kỹ năng cầm nắm, nhai, nuốt, ảnh hưởng khả năng ăn thô. – Thực phẩm trộn lẫn nên bé không có thời gian làm quen với từng vị thức ăn, khó xác định được loại thức ăn gây dị ứng cho bé. – Bé ăn với số lượng nhiều chất đạm ảnh hưởng tới tiêu hóa, dễ bị đi ngoài hoặc táo bón. – Không chủ động trong ăn uống, thụ động chờ người chăm sóc bón và tạo niềm vui trong ăn uống. Khi bị ép ăn nhiều dễ dẫn tới sợ và hình thành biếng ăn bệnh lý. – Tạo nhiều thói quen ăn uống xấu: vừa ăn vừa rong đi chơi, xem điện thoại, ipad, ti vi mới chịu ăn, hoặc vừa ăn vừa chơi. – Đôi khi người chăm sóc cho ăn bột quá sớm (từ 3-4 tháng tuổi) khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng, dễ mắc các bệnh về tiêu hóa. |
4. Kinh nghiệm lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp từ bé Gạo
Bản thân Liên đã nghiên cứu trọn bộ phương pháp ăn dặm BLW và phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, vì muốn rèn luyện cho Gạo tự lập trong ăn uống, rèn luyện tốt các kỹ năng.
Gạo biết ngồi khá muộn, Thời điểm viết bài này Gạo vẫn chưa ngồi vững dù đã gần 7 tháng tuổi. Do đó Liên lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật khi gạo đủ 5,5 tháng với cân nặng 6kg. Tròn 6 tháng giới thiệu thêm phương pháp ăn dặm BLW và cho kết hợp cả 2 phương pháp.
Gạo ăn kết hợp giữa ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm BLW
Thời gian đầu khi mới ăn dặm kiểu Nhật, Gạo chưa ngồi được, Liên đã phải kê chăn gối xung quanh để Gạo không bị ngả nghiêng. Nhiều mom thắc mắc, chưa ngồi được thì ép ngồi làm gì, ông bà trước vẫn cho nằm ăn có sao đâu.
Thực chất việc nằm ăn khiến bé khó tiêu hóa, do ruột bé còn thẳng, việc nằm ăn khiến bé dễ nôn trớ.
Mục tiêu cao cả mà Liên muốn hướng tới không phải là con ăn được nhiều thức ăn mà là để con biết được kỷ luật bàn ăn. Việc ngồi ghế ăn dặm đảm bảo con luôn ngồi thẳng và tuân thủ quy tắc, chỉ ngồi ghế mới được ăn. Không phải tùy tiện chỗ nào cũng ăn được.
Cũng giống như Phương pháp nuôi con theo EASY, mỗi lần được kéo rèm, quấn chặt, bật white noise con sẽ biết được rằng: “A tới giờ đi ngủ rồi”. Ăn dặm cũng như vậy. Liên hình thành thói quen cho Gạo chỉ ăn khi ngồi ghế ăn dặm, và khi không ngồi ghế nữa nghĩa là bữa ăn sẽ kết thúc.
Sau khi sử dụng ghế quen, có lần chỉ cần bê ghế ra là Gạo đã cười hớn hở, đập tay chân kiểu phấn khích vì biết rằng: “tới giờ ăn rồi”.
Khoảng thời gian đầu tiên, Liên cho Gạo làm quen với Cháo rây tỉ lệ 1:10. Trộm vía Gạo chén ngon lành. Kế tiếp là xay thêm Cà rốt, rồi dần dần là bông cải xanh, cà chua, ngô…..
Sau khoảng 3 ngày làm quen với cháo rây và cà rốt, Liên chuyển sang làm đậu phụ non yến mạch cho Gạo. Gạo ăn nhiều tới nỗi có bữa chén hết 1 bát cháo rây và 1 miếng đậu phụ non sốt quả.
Khi tròn 6 tháng tuổi (Gạo vẫn chưa biết ngồi) Liên giới thiệu thêm phương pháp ăn dặm BLW. Gạo vồ lấy thức ăn như Hổ đói.
Gạo ăn dặm với cải chíp
Trong những lần ăn đầu tiên, Gạo chưa biết cách cầm đồ ăn trên mặt bàn và đưa đồ ăn vào mồm vì tay còn khá vụng về. Liên phải hỗ trợ bằng cách đặt thức ăn vào tay rồi làm mẫu cho Gạo nhìn. Sau vài lần thử cô gái chưa biết ngồi này đã có thể đưa được thức ăn vào miệng.
Khi kỹ năng cầm đồ trên mặt bàn và đưa thức ăn vào mồm đã thành thạo, Gạo bắt đầu học kỹ năng nhai, ăn lượng thức ăn vừa đủ và nuốt. Gạo tống khá nhiều đồ ăn vào mồm và không thể nhai cũng như không thể nuốt được. Đỉnh điểm có lần, Gạo nhét nguyên 4 miếng cải chip/ 4 cọng măng tây vào mồm.
Gạo bắt đầu khóc thét và thấy khó chịu, Liên đành chuyển sang 1 số loại thực phẩm mềm hơn để Gạo có thể dễ dàng nhai và nuốt. Và thế là Gạo được ăn bông cải xanh, thanh long, xoài. Việc ăn bông cải xanh khiến Gạo tự điều chỉnh được lượng thức ăn và hoàn thiện kỹ năng nhai, nuốt.
1 Bông cải xanh khá to, nhét cái là đã đủ để đầy mồm, không muốn bốc nữa. Nhưng thực chất cắn vào lại cắn được khá ít vì kết cấu bông cải cồng kềnh. Thế là bông thì to mà cắn thì dc miếng nhỏ, dần dần Gạo đã biết cần phải điều chỉnh lượng ăn.
Và cuối cùng cô gái của Liên đã biết nuốt đồ ăn. Tự bốc thức ăn, đưa vào mồm, tự điều chỉnh lượng ăn, nhai, nuốt. Gạo đã thành thạo kỹ năng nhưng vẫn chưa biết ngồi.
Hy vọng với bài viết này, các mom đã có được những lựa chọn phù hợp với gia đình mình. Một phương pháp ăn dặm phù hợp khiến cho cha mẹ nhàn tênh, con cái hợp tác, hứng thú trong ăn uống. Liên chọn phương pháp ăn dặm BLW và tiền đề là phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, còn các mom thì sao?