Skip to content
Home » Kinh nghiệm dạy con tập nói (2022)

Kinh nghiệm dạy con tập nói (2022)

Làm sao để dạy con tập nói hiệu quả. Với những người làm cha làm mẹ, khoảnh khắc con cất tiếng khóc đầu đời, rồi khi trẻ bập bẹ phát ra những từ đầu tiên có lẽ là khoảng thời gian vô cùng quý giá và đáng nhớ.
Thực tế khả năng ngôn ngữ của trẻ được hình thành ngay từ khi mới sinh ra. Ở những tháng đầu đời, bé thể hiện kỹ năng này qua tiếng khóc, cách sử dụng phụ âm bập bẹ. Càng lớn, càng làm quen nhiều với thế giới xung quanh mình, khả năng nói của trẻ càng phát triển và trở nên điêu luyện hơn.
Mỗi bé có một tốc độ phát triển riêng. Có bé biết nói nhanh, cũng có bé biết nói chậm. Có bạn nói nhiều, có bạn nói ít.
Tuy nhiên khả năng nói của bé cũng phụ thuộc từ những phương pháp dạy con tập nói của phụ huynh. Bằng kinh nghiệm bản thân, Liên sẽ đưa ra các phương pháp dạy con tập nói để cha mẹ có thể tham khảo.

1. Hành trình tập nói của trẻ qua các giai đoạn

Sau khi sinh ra, trẻ chưa thể nói chuyện. BÉ chỉ có thể biểu hiện bằng các cử chỉ như nhăn mặt, khóc, vặn vẹo để thể hiện các nhu cầu vể thể chất và cảm xúc từ sợ hãi, đói, đến thất vọng, quá tải cảm xúc.
Cha mẹ chỉ có thể lắng nghe và giải thích tiếng khóc khác nhau thông qua ngôn ngữ hình thể. Điều kỳ diệu về sự phát triển ngôn ngữ rất nhanh của trẻ qua các giai đoạn được thể hiện như sau:

day-con-tap-noi

  •  3 tháng tuổi: Trẻ sẽ lắng nghe giọng nói, quan sát khuôn mặt của người nói chuyện cùng mình. Ngoài ra bé cũng chú ý lắng nghe những âm thanh, giọng nói từ môi trường xung quanh. Nhiều bé thích nghe giọng nói và âm thanh khi còn trong bụng mẹ và phản hồi bằng những cú đạp chân.
  •  6 tháng tuổi: Khi được 6 tháng, bé bắt đầu bập bẹ những âm thanh khác nhau. VD bé có thể nói “baba” hoặc “da da”. Đến cuối tháng thứ 6 thứ 7 bé có thể nhận ra ngôn ngữ mẹ đẻ và sử dụng âm thanh vô nghĩa của mình để đáp lại
  • 9 tháng tuổi: Sau 9 tháng, bé có thể hiểu một vài từ cơ bản như “không”, “bye bye”… BÉ cũng có thể bắt đầu sử dụng một phạm vi rộng hơn các âm thanh chứa phụ âm và điều chỉnh âm điệu giọng nói.
  • 12-18 tháng tuổi: Hầu hết các bé có thể nói một vài từ đơn giản như “bố” “mẹ” “ bà” vào cuối tháng thứ 12. Trẻ còn có thể trả lời hoặc ít nhất là hiểu được những đoạn nói chuyện ngắn như “con đặt nó xuống”. Và có thể mô phỏng được âm thanh tiếng kêu của các con vật xung quanh
  •  2 tuổi: Đến 2 tuổi, các bé đã có khả năng xâu chuỗi một vài từ trong các cụm từ ngắn từ 2-4 từ. VD như: “Mẹ ơi, tạm biệt” hoặc “Con, sữa”. Trẻ cũng đang học các từ ngữ chỉ sự vật như “cốc” và những từ mang ý nghĩa trừu tượng.
  • 3 tuổi: Khi bé lên 3 tuổi, vốn từ vựng sẽ mở rộng nhanh chóng và bé có khả năng hiểu biết về ngôn ngữ trừu tượng như: “bây giờ”, các cảm xúc của con người và khái niệm về không gian.
    Riêng với Gạo, Gạo bắt đầu gọi mẹ từ tháng thứ 9, nhưng không gọi thường xuyên, mà chỉ khi nào thực sự cần thiết. Khi sợ hãi, khi cầu cứu, khi không thấy mẹ đâu.

Khoảng thời gian lúc 18 tháng Gạo đã có thể nói được khá nhiều từ đơn và bắt đầu mô phỏng tiếng kêu của các con vật xung quanh như: Bố, mẹ, bà, đi, không, cúc cúc, vâu vâu, meo meo, ò ó o, éc éc, ếch ộp….
Gạo khi ở thời kỳ 21 tháng bắt đầu xâu chuỗi từ như: “Mẹ ơi, ngã rồi”, “mẹ ơi, đến rồi”, “mẹ ơi, vâu vâu”, “cháo, ngã rồi”.
Câu chuyện về “Cháo, ngã rồi” sự thật là như này. Gạo nhận biết được món ăn là cháo. Gạo tự xúc cháo và thế là có vài hạt rơi vào ngăn đựng canh. Nhưng Gạo lại chưa nhận biết được từ “rơi” mà chỉ biết mỗi từ “ngã” thôi. Và thế là bà ta nói luôn: “Cháo, ngã rồi”
Cùng trong tháng tuổi này Gạo có thể đọc vanh vách các món ăn trên khay cơm của mình như: “cháo này, thịt này, rau này, chuối này, cá này”. Và Gạo đã có thể nhớ được từ cuối của mỗi câu thơ trong bài thơ “Mẹ đi làm” ( xem thêm 20 bài thơ dạy con tập nói )
Mẹ đi làm
Từ sáng sớm
Dậy thổi cơm
Kho thịt cá
Em kề má
Được mẹ yêu
Ơi mẹ ơi
Yêu mẹ lắm.

@kieulien112 Gạo 21 tháng đọc thơ về mẹ 😂 1 bài thơ hay và dễ thuộc để dạy con tập bói #embedoctho #daycontapnoi #dayconbietnoinhanh ♬ Cute and fun food – zomap

2. Các phương pháp dạy con tập nói

2.1. Sử dụng những âm thanh bi bô để nói chuyện với con

Sử dụng những âm thanh bi bô của chính con để dạy con tập nói. Cha mẹ có thể sử dụng từ “vâu vâu”, “măm măm” để chỉ “chó”“đồ ăn”.
Hầu hết những âm thanh láy đôi này là các từ ngữ đầu tiên của con. Điều này cho thấy rằng đây là cách giúp con học nói đúng đắn.
Hãy thử sử dụng những âm thanh láy đôi để dạy con tập nói. Con chỉ đơn giản là sử dụng 1 từ mà con thấy dễ nói để có thể nói chuyện đượ với mẹ. Đây là một trong những cách dạy con tập nói nhanh và khá hiệu quả.
Nếu mẹ nói chuyện với con theo cách con hiểu, con sẽ ê a trả lời lại. Nếu mẹ hiểu sai những gì con đang cố nói, bé có thể nhìn đi chỗ khác hoặc lặp lại những gì vừa nói.
Đối với Gạo, Gạo cũng bập bẹ đầu tiên là các từ “măm măm”, “nhanh nhanh”, “vâu vâu”, “meo meo”. Sau đó là hình thành các từ đơn khác sau thời gian dài tập luyện.
Liên hay dạy Gạo những tiếng kêu cơ bản của các con vật: VD như: con chó kêu như nào nhỉ con, “vâu vâu”, con mèo kêu thế nào? “meo meo” , con lợn kêu làm sao “éc éc”….

2.2. Thường xuyên nói chuyện với bé

Phương pháp đơn giản này thường ít được các mẹ lựa chọn, vì thời gian đầu, cảm giác như mình đang nói chuyện một mình, khi con chưa thể đáp lại. Chính vì không nhận được sự đáp lại từ con nên nhiều mẹ nghĩ nó không hiệu quả.
Bất kỳ một hành động gì cũng có thể trở thành 1 câu chuyện nhỏ với con trẻ. Trước khi tắm, khi thay bỉm, khi tập thể dục cùng con.
Mỗi khi tắm, Liên thường nói với Gạo “Đến giờ đi tắm rồi, mẹ gội đầu cho con nhé, gội đầu mát mát, cho tóc dài nhanh. Xong rồi rửa mặt nào, rửa hết gỉ mắt đi. Giờ mình xuống nước nào….” Cứ thế, câu chuyện cứ dài mãi, và chỉ bình thường như vậy thôi.
Có lần đưa Gạo đi siêu thị, Liên đẩy Gạo tới quầy đồ chơi. Giơ từng món đồ chơ lên và bắt đầu thuyết trình: “Con gấu bông này, gấu bông mềm mềm. Ô gấu trúc này, gấu trúc thích ăn tre. Đây là cá sấu, cá sấu bơi dưới đầm lầy….”. Đến nỗi khách hàng xung quanh tưởng Liên có vấn đề khi cứ đứng nói chuyện 1 mình.

day-con-tap-noi

Thường xuyên nói chuyện với con

2.3. Dạy bé tập nói từ đơn giản

Bố mẹ nên cho bé làm quen với các từ ngữ dễ nhớ, thường gặp như tên các đồ dùng trong nhà. Dần dần, từ những từ cơ bản đó, bé sẽ tích lũy được vốn từ phong phú, sử dụng chúng một cách linh hoạt trong các ngữ cảnh khác nhau khiến bố mẹ phải bất ngờ.
Liên có 1 bảng các chủ đề cho bé. Trong đó có khoảng 12 chủ đề như động vật, hoa, quả, phương tiện, nghề nghiệp, số đếm… Liên cho gạo làm quen với từng chủ đề một theo sở thích của con.
Gạo giở tới chủ đề nào Liên sẽ lần lượt chỉ từng món và tên gọi của chúng. Kèm theo các tính năng, tính chất và đặc tính cơ bản.
VD như chủ đề quả: Gạo chỉ tới quả chanh, Liên sẽ nói “quả chanh, chanh chua lắm, chanh màu xanh lá cây”. Hay chủ đề con vật, Gạo chỉ tới con cá, Liên sẽ nói: “Con cá, con cá bơi bơi bơi, con cá ở dưới nước
Dần dần Gạo sẽ học được cả tên gọi cũng như đặc tính của từng chủ thể trong chủ đề mà Liên đã nêu.

2.4. Đọc truyện, đọc thơ cho bé nghe

Những câu chuyện cổ tích, truyện dân gian kèm tranh ảnh hay các bài đồng dao đều là lựa chọn tuyệt vời khi dạy con tập nói.
Những từ ngữ trong các câu chuyện này vừa sinh động, đa dạng nhưng cũng rất dễ hiểu, giúp trẻ mở rộng vốn từ một cách tối đa. Bên cạnh đó, những mẩu chuyện ngắn mẹ đọc trước khi đi ngủ sẽ khiến bé cực kỳ say mê, giúp bé dễ ngủ và có những giấc mơ thật đẹp.
Liên có rất nhiều truyện tranh dành cho Gạo. Từ bộ truyện Ehon cho tới truyện cổ tích. Khi Gạo khoảng 4 tháng tuổi Liên đã bắt đầu đọc truyện và duy trì tới khi gạo 21 tháng.
Ở tháng tuổi thứ 4 Gạo chỉ nằm yên và nghe. Tới tháng thứ 21 Gạo đã bắt đầu có thể đọc tên các nhân vật trong truyện và bày tỏ cảm xúc theo tình tiết.
Gạo rất thích chuyện 3 chú lợn con xây nhà. Tới đoạn con sói Gạo bắt đầu chỉ “sói sói, sợ sợ”. Tới đoạn Lợn con xây nhà Gạch, con sói không làm gì được đành bỏ đi, 3 chú lợn con an toàn thì Gạo reo lên “Wow, hoan hô”.
Tương tự, thơ cũng là một phương pháp hay. Những bài thơ ngắn dễ thuộc dễ đọc, có thể giúp con nhanh thuộc, và phát triển vốn từ của chính mình.
Liên hay lựa chọn thơ 3 chữ để đọc cho Gạo nghe giống như bài thơ Mẹ đi làm đã nêu ở trên. Quý phụ huynh cũng có thể tham khảo các bài thơ dạy con tập nói khác để dạy con mình tập nói.

2.5. Kết hợp hát và sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Đây là cách dạy con tập nói hiệu quả cực kỳ phổ biến đối với các ông bố bà mẹ. Những bài hát ngắn như “bà ơi bà”, “một con vịt”…. dành cho thiếu nhi đều có những từ ngữ đơn giản cùng giai điệu dễ thuộc, chỉ cần nghe bố mẹ hát vài lần là đã có thể hát theo.
Cùng với đó, cha mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể như múa, thực hiện các động tác diễn tả lại lời bài hát để con hiểu và làm theo.
Ở tháng thứ 21, Gạo đã có thể hát chữ cuối cùng trong câu hát và múa thành thục bài “Kìa con bướm vàng”, “Hai bàn tay của em”

@kieulien112 #21m dạy con tập nói bằng những bài hát ngắn #embemua #embetapmua #daycontapnoi ♬ Animal baby – 上野燿

2.6. Tâm sự với con khi đi ngủ

Trước khi đi ngủ hãy dành thời gian tâm sự với con. Đây là khoảng thời gian tĩnh lặng chỉ có 2 mẹ con, bé có thể tập trung và ghi nhớ rất tốt các câu chuyện nhỏ.
Liên thường dạy Gạo các kiến thức cơ bản như: Bố tên là gì? Mẹ tên là gì? Gạo đi học tên thật là gì? Nhà Gạo ở đâu? Gạo học lớp mấy tuổi? Gạo học trường nào? Ở lớp Gạo có bạn gì?
Dần dần Gạo đã có thể trả lời được các câu hỏi đơn giản về tên bố mẹ, tên bản thân, số tuổi, trường mầm non mình học, đia chỉ nhà ở đâu.
Các câu chuyện trước khi đi ngủ giúp con ghi nhớ rất nhanh. Sau 1 tuần Gạo đã có thể trả lời vanh vách các câu hỏi của Liên rồi.

@kieulien112 Dạy con tập nói. Bé 20 tháng tuổi có thể nhận thức và nói được nhiều từ đơn nếu ba mẹ chăm chỉ hướng dẫn. #embetapnoi #daycontapnoi #tapnoi #be2tuoitapnoi #be2tuoi ♬ [Animals and dishes] Cute BGM – Sound Owl

3. Phụ huynh cần làm gì khi dạy con tập nói

3.1. Đừng quá quan trọng chất lượng

Dạy con tập nói thay vì kỳ vọng con có thể phát âm đúng ngay lần đầu tiên, cha mẹ nên tập trung vào những gì bé đang cố nói ra. Để có thể nói nhanh, trẻ phải cảm thấy tự tin khi nói chuyện với bố mẹ, trước khi bé có thể phát âm một cách rõ ràng, rành mạch.
Vấn đề gì cũng có lần đầu tiên. Và lần đầu tiên thì không hoàn hảo ngay được. Do đó đừng quá kỳ vọng con mình có thể nói đúng.
Ngay như Gạo, ban đầu khi hỏi về tên thật của mình, Gạo cũng chỉ nói được từ “Ạo”. Dần dần Gạo đã nói được từ “Gạo đấy”, rõ ràng và rành mạch luôn.

3.2. Tận dụng ngôn ngữ hình thể khi dạy trẻ học nói

Các động tác hình thể để mô phỏng từ dạy cho con là cách mà bố mẹ rất hay sử dụng. Để cuộc nói chuyện với con trở nên sinh động hơn, ngôn ngữ hình thể được thêm vào giống như gia vị cho vào thức ăn
Việc sử dụng ngôn ngữ hình thể dễ thu hút được các bé, và rất dễ nhớ. Ngôn ngữ hình thể cũng có thể áp dụng khi bé chưa phát âm được từ đó, bé có thể sử dụng các động tác tay chân của mình để phản hồi lại.

3.3. Đơn giản hóa ngôn ngữ khi dạy con tập nói

Trong quá trình dạy con tập nói, các bé với vốn từ vựng còn hạn chế, chưa đủ tập trung để nghe những câu nói dài dòng, phức tạp khó nhớ. Do đó phụ huynh nên sử dụng câu từ đơn giản, dễ nhớ.
Thông tin trong câu nói tập trung vào từ key để bé có thể nhận biết và hình thành vốn từ vựng phát triển.

3.4. Hào hứng và khen ngợi kịp thời

Bất kỳ ai cũng cần được động viên. Trẻ nhỏ cũng vậy.
Khi con nói được 1 từ đúng, quý phụ huynh nên khen ngợi để động viên con. Việc khen ngợi giúp con có thêm động lực để học hỏi nhiều hơn.
Khi được khen con sẽ cố gắng hơn để thể hiện thêm lần nữa. Sau nhiều lần con có thể hoàn thiện ngôn ngữ và hoàn thiện từ của mình.

3.5. Không “nhại” lại phát âm sai của con

Một lưu ý mà nhiều cha mẹ có thể không để ý, đó là đừng nhại lại phát âm sai của con trẻ. Bé còn nhỏ nên khả năng phát âm còn hạn chế.
Nhiều khi con sẽ nói ngọn 1 vài từ VD như: đi chè (tè), ăn ơm (cơm), quả hế (khế), không (hông)…
Những lúc này cha mẹ cần chỉnh lại cho bé chứ không phải sử dụng luôn từ sai đó để nói với con. Nhiều phụ huynh cho rằng như vậy là dễ thương nên thường nói nhại lại theo con để gần gũi hơn với con.
Tuy nhiên điều này có thể khiến bé tiếp tục nói sai và khó sửa hơn khi về sau.

Dạy con tập nói sẽ là một trải nghiệm tích cực dành cho con. Đừng tỏ ra bực bội hoặc phản ứng với các từ và âm thanh theo cách mà phụ huynh mong muốn. Hãy áp dụng những phương pháp kể trên để giúp bé phát triển ngôn ngữ một cách tốt nhất, hoàn thiện hệ thống từ vựng cho trẻ, giúp trẻ học nói dễ dàng hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *