Skip to content
Home » Hướng dẫn bé tập dùng thìa (năm 2022)

Hướng dẫn bé tập dùng thìa (năm 2022)

Hướng dẫn bé tập dùng thìa có khó không? Đương nhiên với một em bé thì rất khó. Nhưng với em bé có nền tảng ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (BLW) thì việc hướng dẫn bé tập dùng thìa trở nên dễ dàng hơn.

Bắt đầu với việc bốc thực phẩm bằng cả bàn tay, dần chuyển qua tập bốc nhón, dùng ống hút, và cuối cùng là kỹ năng dùng thìa chính là mục tiêu lớn nhất về vận động mà bé đạt được trong phương pháp này.

1. Bản chất của kỹ năng dùng thìa

Động tác xúc thìa, cầm thìa mà người lớn cảm thấy đơn giản lại làm một kỹ năng vận động tinh cực khó với các bạn nhỏ. Nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa não, mắt, tay và miệng.

Một thìa thức ăn đi từ bát qua thìa vào tới miệng sẽ phải trải qua một chuỗi hoạt động phức tạp của các bộ phận trên cơ thể bé.

  • Não nhận tín hiệu từ mắt nhận diện vị trí của đồ ăn
  • Tay được não điều khiển để sử dụng thìa xúc đồ ăn lên
  • Não phân tích khoảng cách từ thìa lên tới miệng và điều khiển tay di chuyển quãng đường phù hợp đưa thức ăn lên miệng
  • Tay phối hợp với miệng để đưa đồ ăn vào trong miệng chính xác, không rơi vãi

Với một em bé, tập kỹ năng cầm thìa là hành trình thực sự dài và khó khăn. Do đó, trước khi sốt ruột vì sao con mình mãi chả biết xúc thì cha mẹ hãy bình tĩnh và tưởng tượng khi mình tập một kỹ năng mới sẽ mất bao nhiêu thời gian.

Hướng dẫn bé tập dùng thìa cần kiên nhẫn và bền bỉ, luôn động viên và đồng hành cùng con trong quá trình luyện tập.

2. Thời điểm thích hợp để hướng dẫn bé tập dùng thìa.

Phần lớn các em bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy – BLW có thể sử dụng thìa để xúc đồ ăn vào khoảng 15 – 18 tháng tuổi nếu bé bắt đầu tự ăn từ 6 tháng và đã thành thạo kỹ năng bốc nhón.

Đương nhiên sẽ có những bé sớm hoặc muộn hơn. Vì việc sử dụng thìa là một kỹ năng rất khó nên thời gian chênh lệch vài ba tháng là chuyện rất bình thường. Hãy cứ kiên nhẫn và bình tĩnh chờ đợi.

Có rất nhiều mom nghĩ rằng cho con làm quen vưới bát thìa từ sớm, khi bé mới tập ăn sẽ rút ngắn thời gian con biết xúc. Tuy nhiên, kết quả lại ngược lại, có bé thậm chí đến vài tháng cứ thờ ơ hoặc chơi với bát thìa, không tập luyện. Phần lớn các mom sẽ nản lòng và nghĩ con mình thật kém cỏi.

Thật ra đó lại chính là sai lầm tiếp theo của người mẹ, vì chọn sai thời điểm cho con làm quen với thìa và con đường hướng dẫn bé tập dùng thìa lại dang dở tại đây.

Trước khi hướng dẫn bé tập dùng thìa, bé cần được hoàn thiện kỹ năng bốc nhón. Thời điểm thành thạo kỹ năng bốc nhón, kỹ năng vận động tinh của bé đã khéo léo hơn một bậc, hơn nữa, bé cũng đã qua thời gian khám phá thức ăn nên sẽ tập trung khám phá đồ chơi mới là bát và thìa, nên sẽ nhanh chóng nhận ra công dụng của chúng.

Lúc này bé sẽ ăn uống tự chủ hơn, độ cáu kỉnh của bé giảm nhiều so với khi chưa hoàn thiện kỹ năng vận động, tính tập trung trong bữa ăn cũng tăng dần.

Gạo tự ăn từ tháng thứ 6, tới tháng thứ 9 hoàn thành kỹ năng bốc nhón, và tới tháng thứ 16 thì có thể tự xúc thìa, nhưng lượng xúc được không nhiều và vẫn còn vụng về.

huong-dan-be-tap-dung-thia

Gạo bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6 bằng phương pháp BLW

Thời điểm Gạo được khoảng 10 tháng, Liên bắt đầu giới thiệu thìa, dĩa và bát như một món đồ chơi. Việc giới thiệu thìa lúc này hoàn toàn chỉ mang tính chất làm quen để cho bé quan sát, gặm, xoay vần.

Ban đầu phần lớn các bé sẽ chỉ cầm thìa và chọc chọc vào đồ ăn, có bé sẽ đưa thìa lên miệng mút, có bé sẽ ném thìa đi và chỉ chơi với bát. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, đơn giản là vì con cảm thấy vẫn chưa sẵn sàng để dùng thìa.

Một thời điểm khác bé sẽ thích ngậm thìa nhưng lại sử dụng cán thìa hoặc lòng thìa úp ngược. Hãy cứ để bé thử nghiệm và tự rút ra kinh nghiệm. Quá trình khám và làm quen này có thể diễn ra khoảng 2-3 tháng hoặc lâu hơn.

3. Các bước hướng dẫn bé tập dùng thìa

3.1. Làm quen

Khi bé đã hoàn thiện kỹ năng bốc nhón, các mom cần giới thiệu thìa, dĩa và bát với bé để bé làm quen. Ban đầu khi mẹ đưa các dụng cụ này, bé sẽ nghĩ rằng mẹ đưa cho mình đồ chơi mới.

Do đó bé sẽ say mê khám phá bằng mọi cách. Cho vào mồm gặm để xem có ăn được không, hoặc đơn giản vì bé đang ngứa rang, gặm thìa cứng cứng lạnh lạnh thật thích.

Bé cũng có thể vứt thìa và bát đi để phục vụ cho công cuộc thử nghiệm khoa học của mình. Rất nhiều cha mẹ hiểu nhầm những hành vi trên của con là chống đối nhưng thực tế thì đa số các bé tầm tuổi này làm thế để khám phá.

Tuy nhiên, các mom cũng không nên tỏ thái độ ủng hộ, hoặc khuyến khích hành động đó của con, cũng không nên la mắng con nặng nề. Trước sau như một, hãy kiên nhẫn chỉ cho con một cách rõ ràng và nghiêm túc rằng thìa, bát và thức ăn dùng để làm gì, nên để ở đâu, và hành động vứt đồ là không nên.

Nếu thực hiện rõ ràng ngay từ đầu khi đến độ tuổi bé hiểu về nguyên nhân – hệ quả, các mom sẽ không phải mất thời gian sửa thói quen xấu cho con nữa.

Hãy cứ để bé thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Sẽ đến lúc bé nhận ra cần phải cầm thìa thế nào cho đúng. Quá trình làm quen này thông thường mất từ 1-3 tháng, hoặc có thể lâu hơn và nó được tính từ mốc bé bốc nhón thành thạo.

@kieulien112

♬ dudada dudada – FUNNY

Gạo thiên về kỹ năng gập cổ tay, khi mới làm quen với thìa

3.2. Nhận thức và luyện tập

Sau khi khám phá đủ, bé sẽ bắt đầu quan sát cách người lướn sử dụng thìa để dần hình thành nhận thức về tác dụng của thìa, dĩa và bát. Lúc này bé sẽ loay hoay bắt chước người lớn xúc đồ ăn.

Khi đó các mom cần xúc ăn cùng con để con bắt chước làm theo. Hãy ăn cùng con, đừng để con ăn một mình.

Con dùng thìa, mẹ cũng dùng thìa. Để mẹ dạy con dùng thìa như nào nhé!

Hãy sử dụng thìa giống bé trong các bữa ăn cùng con. Các bé sẽ quan sát tỉ mỉ hành động của mẹ và dần nhận ra “à hóa ra thìa dùng như vậy?”.

Bé sẽ thử nghiệm với hành động dùng thìa chọc chọc vào bát, thử xúc đồ ăn trong bát. Ban đầu bé sẽ rất vụng về và hay cáu gắt vì xúc mãi không được.

Phản ứng chung sẽ là vứt thìa đi, ném đồ ăn, khóc lóc đòi ra khỏi ghế và quay trở lại ăn bốc. Đừng nản lòng, đây là phản ứng hết sức bình thường.

Quá trình nhận thức này thông thường sẽ mất từ 2 – 5 tháng.

Ở thời điểm này, bé đã hiểu được dùng thìa để làm gì nhưng do chưa chuẩn bị đủ các yếu tố nên có những bé sẽ tạm thời ngừng việc luyện tập lại, quay trở về bốc thức ăn, cho tới lúc sẵn sàng. Vì thế cha mẹ cần kiên trì và không nên thúc ép bé.

Sau thời gian vụng về ban đầu thì bé sẽ dần hứng thú, biết và chịu dùng thìa xúc đồ ăn, tuy rằng vẫn còn 8 phần rơi, 2 phần vào mồm.

Thường thì các bé sẽ dễ dàng hơn khi xúc thức ăn dạng lỏng, sệt và hơi nát. Sau khi thành thạo với các dạng đồ ăn này, bé sẽ chuyển sang luyện xúc dạng rắn như người lớn.

Cha mẹ nên chuẩn bị sẵn 4-5 chiếc thìa và dĩa khác nhau để xem bé thích dùng loại nào nhất. Đôi khi chiếc thìa mà mẹ lựa chọn vì nghe quảng cáo hay lại khiến bé không thích và chiếc thìa phù hợp lại là một chiếc khác.

Việc sử dụng thìa có thể chia ra làm 2 kỹ năng chính cơ bản:

  • Kỹ năng múc: Múc thức ăn lên từ bát
  • Kỹ năng gập cổ tay: Gập cổ tay để đưa thìa thức ăn từ bát lên tới miệng chính xác.

Một số bé sẽ thiên về kỹ năng múc trước khi học kỹ năng gập cổ tay. Những bé này thường sẽ biết xúc rất gọn và khéo léo trước khi biết đưa đồ ăn vào miệng. Nhưng thường sẽ làm rơi vãi gần như hết thìa đồ ăn trên đường di chuyển thìa từ bát vào miệng.

huong-dan-be-tap-dung-thia

Gạo thiên về kỹ năng gập cổ tay khi mới làm quen với thìa

Một số bé lại thiên về kỹ năng gập cổ tay trước. Các bé này có thể tự đưa đồ ăn vào miệng rất chính xác nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi cố gắng tự múc thức ăn lên từ bát.

Điều quan trọng lúc này các mom cần quan sát và nhận biết kịp thời bé thuộc nhóm nào để có những hỗ trợ phù hợp. Cần giưới thiệu với bé nhiều kiểu thìa khác nhau để xác định xem con thuộc nhóm bé “múc giỏi” hay bé “đưa vào miệng giỏi”.

Cung cấp thêm cho con 1 bát đồ ăn với nhóm thức ăn dễ xúc như súp, sữa chua hoặc cơm rang nếu bé múc thức ăn vào thìa tốt nhưng gập cổ tay long ngóng tức là bé thuộc nhóm “múc giỏi”.

Nếu bé không thể múc được đồ ăn, hoặc gặp khó khăn khi múc, lúc đó hãy đưa một chiếc thìa khác đã có sẵn thức ăn trên đó. Bé “Đưa vào miệng giỏi” lúc này sẽ biết cách đưa thìa thức ăn tới miệng dù có thể vẫn còn khá ngượng ngịu.

Nếu bé chưa múc và đưa vào miệng cũng không sao cả. Các mom hãy cứ kiên trì giới thiệu thìa, bát cùng các món ăn dễ xúc cho con. Hoặc có thể chuyển cho con tập dùng dĩa trước.

3.2.1 Đối với các bé thiên về kỹ năng múc

– Mẹ nên cung cấp cho bé một chiếc thìa đã có sẵn các món “bám dính tốt” như xôi, cháo đặc, khoai nghiền, sinh tố… vì những món ăn này sẽ khó bị rơi rớt nhưng vẫn còn dính một ít trên thìa khi bé di chuyển tay lên miệng. Và bé sẽ dễ dàng học được cách điều khiển chỉnh tay cho phù hợp mà không lo thức ăn bị rơi ra hết.

– Khi bé đã học được cách điều chỉnh tay chính xác với chiếc thìa có sẵn thức ăn dính, mẹ có thể cho bé ăn thử tự múc các món lỏng, dễ xúc hơn như súp, canh. Tiếp đó là đến các món rời như cơm rang, thịt băm, rau băm nhỏ để tăng độ khó và tập luyện thêm sự khéo léo cho trẻ.

– Thức ăn dạng dẻo, quá dính như cơm dẻo, xôi, tuy khó rơi vãi nhưng lại khó xúc vào thìa. Nên nếu mẹ chọn cách xúc sẵn cho con thì sau khi bé đã biết đưa thức ăn lên miệng rồi thì mẹ nên tránh để bé tiếp xúc với dạng này vì dễ làm bé cáu do xúc mãi thức ăn không được.

@kieulien112 #andamblw #embeandam #andamtuchihuy ♬ Chiếc Bụng Đói – Ngọc Nhi Kitty

Gạo tập xúc với món súp gà nấm

3.2.2. Đối với các bé thiên về kỹ năng gập cổ tay

– Các mom hãy cho bé tập sử dụng dĩa trước với các món ăn dạng viên hoặc miếng nhỏ như: cà rốt, thịt viên, xoài…

– Ban đầu là chiếc dĩa xiên sẵn thức ăn. Sauk hi bé đưa thức ăn vào miệng thành thạo thì bạn sẽ để bé tự xiên. Các bé trong nhóm này có thể rất nhanh chóng biết cách xiên thức ăn vào dĩa và tự đưa lên miệng chính xác mà hầu như không gặp mấy trở ngại. Dần dần khi bé khéo hơn, mẹ có thể thay dĩa bằng thìa, sử dụng một vài món ăn dạng sệt, dễ dính như bí đỏ nghiền… để giúp bé học múc lên gọn gàng.

Với mỗi thìa xúc thành công vào miệng, kể cả làm rớt ra ngoài cũng đừng mắng mỏ bé, hãy coi việc đó là bình thường và để bé luyện tập tiếp. Nên nhớ, kiên trì và tin tưởng bé là nguyên tắc chủ đạo giúp bố mẹ và bé thành công. Như vậy, thay vì sốt ruột, các mom nên khen ngợi bé ngay khi có thể:

  • Khi bé biết cách cầm thìa đúng, hãy khen bé
  • Khi bé không vứt bát và thìa đi nữa, mà chăm chú khám phá, hãy khen bé
  • Khi bé cố gắng bắt chước bố mẹ, ăn trong bát, biết xúc thức ăn lên, dù không thành công, hãy khen bé
  • Khi bé xúc được thìa thức ăn đầu tiên lên, hãy khen bé

Tránh sửa tư thế cầm thừa của con hay cầm tay con để xúc thìa rồi đưa lên miệng. Vì đa số các bé thích tự làm hơn bị điều kiển.

Nên nếu ép con làm theo ý mình, rất có thể bé sẽ phản kháng bằng cách cho thìa ra rìa.

huong-dan-be-tap-dung-thia

Gạo đưa thìa vào mồm rất khéo nhưng khá vụng trong việc xúc thức ăn vào thìa

4. Cách chọn thìa, bát, dĩa phù hợp để bé tập dùng thìa.

4.1. Chọn thìa:

4.1.1. Các loại thìa nên dùng

– Có lòng hình tròn hoặc oval hơi tròn, đường kính khoảng 2-3 cm để bé xúc và giữ thức ăn tại thìa dễ dàng

– Cán thìa vừa phải (ngắn hơn thìa người lớn hay ăn) cho bé cầm không bị vướng víu, chiều dài khoảng 7-9cm

– Có độ sâu, thức ăn trong thìa giữ được lâu và không bị rơi vãi hết do thời gian đầu bé chưa điều khiển được thìa đúng cách, rất dễ di chuyển linh tinh khiến thức ăn rơi ra ngoài.

– Làm bằng gỗ, inox hoặc nhược an toàn cho bé, độ nặng vừa phải sao cho người lớn cầm lên thấy hơi nhẹ hơn 1 chút là được

4.1.2. Các loại thìa không nên dùng

– To hoặc có cán cầm quá dài khiến bé cầm vướng víu hoặc quá nhỏ

– Quá nặng, do ban đầu lực tay bé còn yếu, xúc những loại thìa này khả năng thành công sẽ không cao, bé dễ cáu gắt và nản chí

– Quá nông, sẽ làm thức ăn bé xúc được vị vãi hết ra ngoài do tay bé chưa khéo. Hệ quả là bé sẽ dễ bực bội khi không còn thức ăn trong thìa.

– Thìa làm bằng silicon hay nhựa mềm. Vì những loại này quá mềm, bé cầm không có cảm giác chắc tay và cũng khó để xúc thức ăn vào thìa

– Thìa vẹo: Bé dùng thìa vẹo tưởng chừng dễ hơn nhưng bé lại không học được cách gập cổ tay để đưa thức ăn vào miệng. Hệ quả là khi chuyển sang thìa bình thường bé có thể cảm tháy lúng túng và không biết sử dụng sao cho đúng.

4.2. Chọn Dĩa

– Bằng nhựa an toàn, bằng gỗ, hoặc bằng inox

– Đầu dĩa tù không quá nhọn để tránh gây nguy hiểm trong quá trình học xúc của bé

– Nhẹ, tay cầm dĩa to và chắc chắn

– Có độ dài vừa phải, dưới 10cm

4.3. Chọn bát, khay ăn

– Bát bằng nhựa an toàn, gỗ, inox hoặc tre

– Nhẹ, dễ cầm

– Nông, có đáy phẳng

– Nhỏ hơn bát của người lớn một chút

– Tránh các loại bát bằng vật dụng thủy tinh, sứ, hoặc các chất liệu dễ vỡ với trọng lượng nặng

– Tránh sử dụng các loại bát sâu lòng có đáy gồ ghề khiến bé khó khăn trong quá trình tập xúc

huong-dam-be-tap-dung-thia

Lựa chọn thìa, dĩa và khay ăn phù hợp với con

5. Các trò chơi hỗ trợ kỹ năng

Ngoài thời gian tập luyện trên bàn ăn, để hướng dẫn bé tập dùng thìa, các mom cũng có thể tạo ra các trò chơi hỗ trợ tập xúc thìa trong thời gian vui chơi của con.

Trò chơi 1: Chúng mình xúc với nhau nhé. Trò chơi này mẹ sẽ cùng ăn với con, cùng dùng thìa xúc giống con. Chúng mình cùng nhau ăn nào

Trò chơi 2: Đút cho búp bê. Bé sẽ được luyện tập kỹ năng xúc của mình thông qua việc xúc cho em búp bê ăn,

Trò chơi 3: Tập xúc nước, xúc hạt trong nước. Trò chơi này là một trong số những gợi ý hàng đầu trong công cuộc hướng dẫn bé tập dùng thìa.

Trò chơi 4: Đào kho báu. Ở trò chơi này, bé sẽ biết cách điều khiển tay sao cho nhuần nhuyễn trong quá trình tập dùng thìa của mình.

Hướng dẫn bé tập dùng thìa được coi là kỹ năng khó nhất trong số các kỹ năng bé học khi ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (BLW). Chúc các mom hãy kiên nhẫn và thành công trong bước đường hướng dẫn bé trở thành “người văn minh” với bài viết hướng dẫn bé tập dùng thìa này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *