Việc uống sữa hàng ngày mang tới rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng cho trẻ uống sữa vào thời điểm nào, có nên cho trẻ ăn sữa đêm không thì nhiều quý phụ huynh lại chưa nắm rõ được.
1.Có nên cho trẻ ăn sữa đêm?
Trong vài tháng đầu sơ sinh, trẻ từ môi trường bụng mẹ tối tăm, chật chội hòa nhập với thế giới mới thường sẽ không phân biệt được ngày đêm. Phần đa sẽ ngủ suốt ngày và chỉ tỉnh dậy khi đói để ăn. Do đó khoảng thời gian từ 1-3 tháng tuổi, chúng ta vẫn nên cho trẻ ăn sữa đêm bình thường.
Trẻ sơ sinh từ 4-5 tháng tuổi nếu có dấu hiệu nhất định có thể xem xét cai ti đêm, hoặc có thể bắt đầu từ 6 tháng tuổi khi bé đã bước vào giai đoạn ăn dặm.
Gạo nhà Liên bắt đầu cai ti đêm từ 4 tháng tuổi. Gạo tự điều chỉnh trong khoảng 3 ngày, sau đó có dấu hiệu ăn đêm lại thì Liên bắt đầu sử dụng các phương pháp cai ti đêm.
Việc cho bé ăn đêm được xác định bằng cách căn cứ vào giấc ngủ đêm của bé. Gạo 4 tháng tuổi theo lịch sinh hoạt EASY 4 và bắt đầu đi ngủ giấc đêm lúc 7h30 tối. Nghĩa là khoảng thời gian sau 7h30 tối tới khi thức dậy đầu tiên của ngày hôm sau khi bắt đầu ngày mới (6-8h sáng) sẽ được coi là ăn đêm.
1.1.Tác hại của việc cho trẻ ăn sữa đêm.
Chắc hẳn có nhiều mom đã stress vì việc con 1,2 tuổi nhưng vẫn vật vã mỗi đêm đòi ti mẹ. Ngủ không sâu giấc khiến đêm quấy khóc. Ăn ngày giảm mạnh, đôi khi không chịu ăn gì, đêm hục hặc nhiều lần đòi ăn….
Đấy chỉ là một vài hệ quả của việc cho trẻ ăn sữa đêm dễ nhận thấy. Thói quen cho trẻ ăn sữa đêm còn mang tới nhiều mối nguy về lâu về dài như:
-
Ngủ không sâu giấc.
Giấc ngủ của bé nhiều khi quan trọng hơn việc ăn uống của con. Ngủ đủ giấc giúp trẻ tăng khả năng tập trung, luôn tỉnh táo và thông minh. Trẻ hay quấy khóc đêm không ngủ đủ giấc sẽ kéo theo hiện tượng cáu gắt vào ban ngày.
Tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ khiến trẻ phát triển chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Và độ nhanh nhẹn, hoạt bát đương nhiên cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức.
Do vậy nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của trẻ.
Ăn đêm nhiều, ăn ngày kém hiệu quả có thể dẫn tới hệ lụy ngủ ngày ngắn, đêm dậy nhiều lần dẫn đến cả ăn và ngủ đều kém hiệu quả.
-
Dễ bị sặc sữa.
Việc gọi con dậy để cho trẻ ăn sữa đêm nhiều khi làm bé quấy khóc vì đang ngủ ngon thì bị đánh thức dậy để ăn. Vừa khóc vừa ăn trong hậm hực có thể làm bé bị sặc sữa, gây nôn trớ, và có thể khiến trẻ tỉnh ngủ luôn và quấy khóc nhiều hơn.
Nhiều mom lựa chọn cho bé ăn trong mơ để đảm bảo an toàn nhưng điều này rất mất thời gian cho cả mẹ và bé, và cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé rất nhiều.
Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, không có nhu cầu ăn đêm, tự điều chỉnh giấc ngủ và lượng ăn trước ngủ đêm thì việc đánh thức bé cho ăn sữa đêm là không cần thiết.
-
Trẻ dễ bị sâu răng.
Thời điểm mọc răng của trẻ là từ 6-9 tháng tuổi, và hoàn thiện bộ nhai khi 2 tuổi. Sữa mẹ không gây sâu răng cho trẻ, nhưng nếu bổ sung thêm sữa công thức, sữa tươi thì khác.
Thành phần của SCT và sữa tươi có chứa đường, nên việc cho bé ăn sữa đêm mà không vệ sinh răng miệng thì vi khuẩn sẽ tấn công men răng gây sâu răng, thậm chí có thể bị viêm lợi.
1.2.Tín hiệu nhận biết con đã sẵn sàng cai ti đêm.
Với em bé mà cơ thể đã có khả năng tích trữ năng lượng đủ để ngủ qua đêm thường là lúc cân nặng của con đạt 6kg. Lúc này, phụ huynh có thể xem xét bỏ ăn đêm cho bé.
Hoặc khi bé có dấu hiệu ăn ngày kém hiệu quả. Thể hiện rõ rệt trong 2 bữa đầu ngày khi con vừa thức dậy. Ban đêm con ăn nhưng không hoạt động nên năng lượng được tích trữ dẫn tới cảm giác no khi bắt đầu ngày mới và không muốn ăn.
Trong trường hợp nếu không cắt bữa đêm cho bé sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn, ăn ngày vật vã không chịu ăn, đêm quấy khóc đòi ăn nhiều lần ảnh hưởng giấc ngủ.
Việc cắt ăn đêm không phải phục vụ mục đích để mẹ nhàn mà là để giúp con được ngủ thẳng giấc. Ăn hiệu quả hơn vào ban ngày để tích trữ đủ năng lượng ngủ xuyên đêm.
Cắt ăn đêm cũng không phải là mẹ không thương con, để con đói mà cắt ăn đêm là lựa chọn tốt nhất dành cho con và cũng là cho cả gia đình.
Sau khi cắt ăn đêm, tổng lượng ăn cả ngày sẽ nhiều hơn tổng lượng ăn cả ngày và đêm trước đó cộng lại.
Cụ thể như Gạo trước khi cắt ăn đêm theo Lịch sinh hoạt EASY 4, ăn 5 cữ, trong đó 4 cữ ngày mỗi cữ 100ml, và 1 cữ đêm mỗi cữ 120ml. Tổng lượng ăn cả ngày đạt 520ml.
Sau khi cắt ăn đêm, Gạo vẫn theo EASY 4 và ăn 4 cữ trong đó: cữ 1 đầu ngày: 180ml, 2 cữ giữa ngày 150ml, cữ cuối ngày trước khi ngủ đêm: 210 ml – 250ml. Tổng lượng ăn cả ngày đạt 690 – 730ml.
So với trước khi cắt ăn đêm lượng sữa đã tăng: 170ml – 210ml.
2.Các cách cắt ăn đêm cho bé.
Có rất nhiều cách để cắt ti đêm cho bé. Phụ Huynh cần chuẩn bị thêm công cụ hỗ trợ để trấn an bé khi cai ti đêm. Có thể lựa trọn ti giả (nếu bé hợp tác), hoặc các vật trấn an khác như: Gấu bông, gối ôm, chăn yêu thích.
2.1. Trì hoãn cữ bú.
Thực hiện ngay từ cữ bú đầu tiên của đêm. Tới giờ ăn đêm, hoặc khi thấy bé có dấu hiệu đòi ăn. Các mom trì hoãn không cho bé ăn ngay mà thử dùng công cụ hỗ trợ, vật trấn an để dỗ bé ngủ tiếp.
Sau khi trì hoãn khoảng 20-30 phút, các mom mới cho bé ăn. Vận dụng với tất cả các cữ ăn đêm tiếp theo.
Mỗi đêm, mẹ lại tăng thời gian trì hoãn lên 15-20 phút cho 1 cữ. Sau khoảng 4-5 đêm cữ ăn đêm sẽ giảm dần từ 3 xuống còn 2 cữ, hoặc 2 cữ chỉ còn lại 1 cữ.
Khi số cữ ăn đêm giảm xuống chỉ còn 1 cữ 1 đêm, ngoài cách trì hoãn thời gian bú cho đến khi bé không còn đòi ăn đêm nữa, các mom có thể sử dụng cách giảm dần lượng sữa trong bình.
Mỗi đêm giảm từ 20-30ml dần dần cho tới khi chỉ còn ăn 30ml mỗi đêm theo dõi nếu bé vẫn ngủ tiếp được thì cắt luôn 30ml này.
2.2.Cắt dần từng cữ sữa.
Mẹ thực hiện bằng cách cắt cữ muộn nhất trong đêm. Sau khi cắt được cữ này, thì chuyển sang cữ muộn thứ 2 trong đêm.
VD 1 tối bé ăn đêm 3 lần vào 10h, 2h sáng và 4h sáng. Cữ muộn nhất trong đêm là lúc 4h sáng, các mom sẽ bắt đầu cắt từ cữ này. Khi con ọ ọe dậy đòi bú, các mom sử dụng công cụ hỗ trợ ti giả hoặc vật trấn an, vỗ cho bé ngủ lại.
Các mom cũng có thể kết hợp trì hoãn cữ để cắt cữ cho bé bằng cách lúc 4h khi con đòi ăn, các mom tạm hoãn 20 – 30 phút rồi mới cho bé ăn. Thời gian tăng lên theo từng đêm, cho đến khi thời gian bé đòi ăn trùng với thời gian bé dậy và là cữ bú đầu tiên của ngày mới.
Vậy là lần cắt cữ đầu tiên hoàn thành. Lúc này các mom tiếp tục chuyển sang cắt cữ thứ 2 theo cách đã làm ở lần cắt cữ đầu tiên. Kiên trì dỗ bé cho đến khi bé quen với việc ngủ qua cữ đó mà không cần ăn.
2.3.Cắt hết tất cả các cữ.
Các mom sẽ không cho bé ăn đêm nữa, khi con đòi ăn, trấn an bằng ti giả hoặc vật trấn an có tác dụng khác, vỗ cho bé ngủ lại.
Những ngày đầu tiên khi cắt cữ, con yêu sẽ khóc rất nhiều, trằn trọc cả đêm. Đôi khi phản kháng dữ dội, ngủ ít và lịch sinh hoạt sẽ xáo trộn trong vài ngày.
Nhưng ngược lại hiệu quả cao. Thời gian cai ti đêm sẽ được rút ngắn đi rất nhiều, chỉ cần mẹ có 1 tinh thần thép và kiên trì cùng con vượt qua các đêm.
3.Hiểu lầm về cai ti đêm.
Nhiều mom lo lắng con đói khi không được ăn đêm, trằn trọc khó ngủ lại. Đừng lo lắng.
Bé luôn có năng lượng dự trữ và sau mốc 3 tháng bé được sinh hoạt coi như một người bình thường (ăn tối và ngủ qua đêm, dậy ăn sáng vào sáng hôm sau).
Đây chính là cú huých tự nhiên, thức tỉnh cơn đói và giúp bé học cách ăn no vào những ngày tiếp theo, tại các cữ ban ngày.
Khi cai ti đêm, thường con yêu sẽ ngủ kém trong vòng 3 ngày, nhưng lợi ích lâu dài của hệ quả này sẽ là việc ăn hiệu quả hơn vào ban ngày và ngủ trọn giấc đêm.
Một giấc ngủ đêm dài không bị chèn ép bởi sữa sẽ có lợi cho chính sự phát triển về thể chất và tinh thần của con, cũng như hòa bình của cả gia đình.
Sau cai ti đêm được 3 ngày nhưng lượng sữa nạp vào chưa tăng. Đừng nóng vội, con cần làm quen với nhịp sinh hoạt mới, và cơ thể cần có thời gian để gửi tín hiệu tới não bộ: “này đừng ăn đêm nữa, ban ngày hãy ăn nhiều hơn đi”.
Thông thường sau khoảng 1-2 tuần cắt ăn đêm, lượng sữa ban ngày của bé mới tăng dần lên. Tùy vào từng bé mà cách tăng lượng sữa cũng sẽ khác nhau. Có bạn bú nhiều lên dần dần từng cữ, như Gạo thì đột nhiên bú tăng vọt lên gấp đôi so với trước đó.
Có nên cho trẻ ăn sữa đêm? Câu hỏi này tới nay đã được giải đáp. Cai ti đêm thực sự là chìa khóa để con ăn uống hiệu quả, tập trung phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.